Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
41 năm kể từ ngày sáp nhập về TP. HCM, huyện Cần Giờ (Duyên Hải) đã ghi dấu hành trình phát triển bằng các thành quả nhất định: được công nhận huyện nông thôn mới; đảo Thạnh An được công nhận xã đảo của TP. HCM; rừng ngập mặn tái sinh được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam... gợi ra niềm hy vọng Cần Giờ sẽ “cất cánh” bay cao trong thời gian tới.
Từ năm 2020, các kịch bản ưu tiên phát triển mạnh kinh tế đô thị biển của Cần Giờ để tạo động lực phát triển mới phía Đông Nam TP. HCM được khởi xướng. Theo đó, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ trở thành thành phố thuộc TP. HCM cho hơn 600.000 dân, bỏ qua bước xây dựng Cần Giờ từ huyện thành quận, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế biển chính cho thành phố về phía Tây Nam.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.780 ha dự kiến trở thành siêu dự án phức hợp trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, chung cư cao tầng, nhà ở liên kế, biệt thự cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, bến du thuyền… cùng chuỗi tiện ích nội khu hiện đại với tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, cho hơn 220.000 dân và cho hơn 9 triệu lượt khách du lịch hàng năm.
Dự án này có quy mô lớn hàng đầu ở Việt Nam, rộng hơn khoảng 4 lần so với Khu đô thị mới Thủ Thiêm và hơn vài chục lần so với quy mô ban đầu cho 8.000 dân và 25.000 khách du lịch/năm.
Cầu Cần Giờ sẽ được xây thay thế cho phà Bình Khánh, với vốn đầu tư dự kiến 5.300 tỷ đồng. Cùng với đó, cảng biển trung tâm sẽ được xây dựng trong tương lai. 4 vị trí tiềm năng đang được Sở Giao thông Vận tải đề xuất, có thể phát triển thành cụm cảng trung tâm logistics đường biển quan trọng hàng đầu của TP. HCM với quy mô có thể lớn hơn để thay thế cụm cảng Thị Vải – Cái Mép sau này, đi kèm với xây dựng mới hệ thống đường cao tốc và đường sắt kết nối hiện đại nối vào cảng.
Ngoài ra, giấc mơ cầu Cổng Vàng vượt biển nối liền Cần Giờ với Vũng Tàu với chiều cao phù hợp cho các tàu trọng tải lớn chui qua, theo ý tưởng cầu Golden Gate (San Francisco) cũng được đề xuất. Tương tự, sân bay Cần Giờ được trông chờ để đón khách du lịch.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ phải đặt trong một tình huống khá đặc biệt. Vừa thuận lợi vừa khó khăn về vị trí và điều kiện tự nhiên, vừa phải xây dựng đô thị mới vừa phải bảo tồn sinh thái, vừa muốn phát triển du lịch cao cấp và cảng biển nước sâu vừa phải cạnh tranh trên thế yếu về điều kiện tự nhiên và tương lai kết nối vùng khi so với Vũng Tàu và Phú Mỹ. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phát triển kinh tế biển không nhất thiết phải đô thị hoá Cần Giờ mật độ cao, thay vào đó là kết nối vùng, hợp tác với Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An để mở rộng tiềm năng.
Đồng thời, vấn đề bảo tồn sinh quyển cho Cần Giờ là hết sức quan trọng. Bởi, không chỉ có ý nghĩa cho riêng TP. HCM mà nó đóng vai trò giữ giá trị môi trường cho cả vùng đô thị Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Với tư cách là đầu tàu cho cả khu vực, TP. HCM cần đặc biệt chú trọng vấn đề này.
“TP. HCM là nơi phát triển kinh tế rất năng động, không có nghĩa vùng đất nào cũng phải làm kinh tế. Ví TP. HCM là căn nhà thì Cần Giờ được xem là khu vườn để thư giãn”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo đó, TP. HCM nên ưu tiên khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Cần Giờ theo hướng công tư hợp tác, trong khi vẫn giữ vững định hướng phát triển bền vững, phù hợp với lợi ích lâu dài của Cần Giờ và của toàn thành phố.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.