Lâm Đồng: Dự án bảo vệ rừng của Công ty Thác Rồng làm mất hàng chục ha rừng

Nghi Xuân - 14/02/2023 16:59 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ rừng của Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng (Công ty Thác Rồng) đã làm mất 37,79ha diện tích rừng, với trữ lượng thiệt hại hơn 6.280m3.

VNF
Dự án bảo vệ rừng của Công ty Thác Rồng làm mất 37,79ha rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình khắc phục sai phạm do để mất rừng xảy ra tại dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ rừng của Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng tại huyện Lạc Dương.

Cụ thể, sau khi phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương kiểm tra hiện trường và hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết diện tích rừng bị mất tại dự án nêu trên là 37,79ha, trữ lượng thiệt hại khoảng 6.282,5m3; diện tích rừng bị giảm trữ lượng gỗ (thay đổi trạng thái) là 10,55ha, trữ lượng giảm 1.909,9m3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ cung cấp thông tin thiệt hại tài nguyên rừng gửi Sở Tài chính xác định giá trị tài nguyên rừng làm cơ sở để Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng thực hiện việc nộp tiền bồi thường.

Năm 2015, UBND huyện Lạc Dương có văn bản thống nhất chủ trương cho phép Công ty Thủy điện và Du lịch Thác Rồng san ủi đất để thực hiện dự án dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ rừng.

Cuối năm 2020, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ lúc bấy giờ là ông Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh về việc phá rừng phòng hộ tại huyện Lạc Dương.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng và các cơ quan liên quan trong việc để xảy ra phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 132.

Cùng chuyên mục
Tin khác