Tài chính quốc tế

Lạm phát Nhật Bản lần đầu đạt 4% sau hơn 4 thập kỷ

(VNF) - Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 12 tăng 4% so với một năm trước đó, gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, đạt mức cao mới trong 41 năm và khiến thị trường giữ nguyên kỳ vọng rằng BOJ có thể loại bỏ dần chính sách lãi suất thấp.

Lạm phát Nhật Bản lần đầu đạt 4% sau hơn 4 thập kỷ

Lạm phát lõi của Nhật Bản tăng lên mức 4% vào tháng 12/2022.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Nhật Bản hôm 20/1, sau khi tăng 3,7% trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI) không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 4% trong tháng 12 so với một năm trước.

Đây là mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 12 năm 1981, khi chỉ số này cũng tăng 4,0%.

Mức tăng CPI cơ bản hàng năm đã vượt quá mục tiêu 2% của BOJ trong tháng thứ chín liên tiếp, do ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng và thực phẩm gia tăng. Giá thực phẩm chế biến tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1976, trong khi giá điện và gas đều tiếp tục tăng hơn 20% so với năm trước.

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn dữ liệu cho thấy Nhật Bản vẫn chưa phải đối mặt với nguy cơ vòng xoáy lạm phát tiền lương đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu tăng lãi suất.

Mặc dù mức tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1981 có thể khiến một số nhà đầu cơ kỳ vọng vào khả năng xoay trục chính sách ngắn hạn tại BOJ, nhưng các nhà kinh tế cho rằng kết quả này sẽ không thể lay chuyển quan điểm của Thống đốc Haruhiko Kuroda rằng xu hướng lạm phát sẽ hạ nhiệt, và rằng BOJ không cần thay đổi chính sách lãi suất siêu thấp.

Trước đó, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã công bố triển vọng giá cập nhật sau cuộc họp chính sách vào thứ Tư (18/1), nâng dự báo lạm phát cho năm tài chính 2023 lên 3%, trong khi giữ nguyên lạm phát trong hai năm tới dưới 2%.

Các nhà phân tích cho biết tác động cơ bản của việc giá tiêu dùng tăng mạnh trong năm ngoái cũng sẽ làm chậm tốc độ tăng lạm phát vào cuối năm nay.

Trong cùng cuộc họp, BOJ đã thông báo giữ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình, đi ngược với xu hướng của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo cho đến khi tiền lương tăng nhiều hơn, biến lạm phát do chi phí đẩy gần đây thành lạm phát do nhu cầu trong nước mạnh mẽ.

Phản ánh tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng và lạm phát gia tăng, nhiều công ty đang công bố kế hoạch tăng lương, bao gồm cả công ty mẹ của gã khổng lồ quần áo Uniqlo.

Tuy nhiên, việc tăng giá kéo dài làm tăng thêm mối lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể đã đánh giá thấp sức mạnh của đà lạm phát. Điều này cũng dẫn tới một vài suy đoán rằng BOJ có thể xem xét lại định hướng chính sách của mình.

Xem thêm >> Nhật Bản giữ mức lãi suất thấp: Đáp án riêng cho bài toán chung

Tin mới lên