Liệu có 'chìm xuồng' xử lý sai phạm tại Nhà máy Thuỷ điện Tà Thàng, Lào Cai

Trí Anh - 19/03/2019 08:45 (GMT+7)

(VNF) - Sau 10 năm xây dựng, 5 năm đưa vào hoạt động nhưng đến nay Thuỷ diện Tà Thàng, Lào Cai vẫn nợ thuế gần 47 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có văn bản yêu cầu xử lý, nhưng vụ việc vẫn chưa được công bố, dù đến nay đã quá hạn.

VNF
Dự án Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng nợ đọng thuế gần 47 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Nhà máy thủy điện Tà Thàng có công suất 60 MW (lớn thứ ba ở tỉnh Lào Cai), do Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, nằm tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; riêng phần hồ chứa thuộc địa phận xã Suối Thầu, huyện Sa Pa.

Nhà máy được khởi công xây dựng vào cuối năm 2008, phát điện lên lưới điện quốc gia vào tháng 10/2013, với sản lượng bình quân 256 triệu kWgiờ/năm.

Tuy nhiên đây lại là nhà máy thủy điện được coi là nhiều “tai tiếng” ở địa bàn tỉnh Lào Cai, bởi chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cụ thể, Nhà máy thủy điện Tà Thàng được xây dựng khi không có hồ sơ xin cấp phép xây dựng gửi cơ quan chức năng, không có giấy phép xây dựng, vi phạm khoản 2, Điều 10, Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thuộc trường hợp các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.

Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, công trình Nhà máy thủy điện Tà Thàng thuộc nhóm công trình phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận phù hợp về chất lượng để bảo đảm an toàn, nhưng qua thanh tra cho thấy, Nhà máy thủy điện Tà Thàng không có giấy chứng nhận chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

Nổi cộm nhất là các sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về đất đai của chủ đầu tư. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) có rất nhiều sai phạm như: không có quyết định, thông báo thu hồi đất của dân; không có danh sách, chứng từ chi trả tiền bồi thường GPMB…

Đáng chú ý, qua kiểm tra xác định, dự án Nhà máy thủy điện Tà Thàng không có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thuê đất, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã và đang sử dụng đất để xây dựng công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh điện gây thất thoát khoản thu từ tiền thuê đất trong gần 10 năm qua.

Với công suất 60 MW, là nhà máy lớn thứ ba trong tỉnh Lào Cai, doanh thu bình quân hằng năm đạt 235 tỷ đồng nhưng đến hết năm 2017, Nhà máy thủy điện Tà Thàng vẫn cố tình chây ỳ, chưa nộp 46,92 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, trong đó có: 15,08 tỷ đồng thuế tài nguyên, 26,13 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và 5,71 tỷ đồng tiền phí môi trường rừng...

Những sai phạm của chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Tà Thàng đã rõ ràng. Nhưng Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex vẫn chưa khắc phục những thiếu sót, vi phạm nêu trên.

Lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai cho biết, hiện nhà máy thuỷ điện Tà Thàng đã được Giấy phép hoạt động điện lực do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cấp, chủ đầu tư có thể bán điện lên lưới điện quốc gia cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thu tiền nên cố tình chây ỳ, thiếu hợp tác trong việc khắc phục những vi phạm trước đó.

Nếu chủ đầu tư không được Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực, có vai trò như là “chốt chặn” cuối cùng để buộc các chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật thì mới được bán điện và thu tiền, thì chắc chắn Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex không thể thờ ơ, để sai phạm kéo dài như vậy?

Từ kết quả thanh tra và kiến nghị của cơ quan chức năng, tháng 9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã ký Văn bản số 4126 chỉ đạo Sở Công thương tham mưu để UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét việc cấp lại Giấy phép hoạt động điện lực của Nhà máy thủy điện Tả Thàng, do chủ đầu tư có nhiều vi phạm trong xây dựng, chấp hành pháp luật về đất đai và chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Yêu cầu Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính , làm rõ trách nhiệm của cá nhân có vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex nộp ngay số tiền 46,92 tỷ đồng nợ thuế và phí vào ngân sách, đồng thời nộp ngay tiền thuê đất sau khi hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng và đơn vị chủ quản cũng cần sớm có các chế tài đủ mạnh buộc Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex tuân thủ các quy định về đất đai, xây dựng, sớm nộp các khoản thuế, phí, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cũng phê bình Sở TN-MT, UBND huyện Sa Pa, UBND huyện Bảo Thắng trong thời gian từ 2007 - 2013 đã không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai trong việc làm thủ tục và thực hiện tạm giao đất cho dự án thủy điện. Các đơn vị này cũng thực hiện thu hồi đất, GPMB không đúng trình tự, thủ tục.

Riêng Sở TN-MT tỉnh Lào Cai đã không thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm trễ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai.

Ngoài những sai phạm nghiêm trọng trong thất thu thuế tại Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng, trước đó, Thanh tra tỉnh Lào Cai kết luận quá trình thi công dự án này cũng có nhiều “lùm xùm” trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá (phục vụ xây dựng nhà máy) giữa Chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần thương mai xây dựng – Vietracimex (đại diện là Công ty cổ phần thuỷ điện Vietracimex Lào Cai) với 2 Công ty TNHH cán thép Tam Điệp và Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương (Xi măng Pomihoa)

Những “tai tiếng” tại Dự án Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng đã diễn ra trong thời gian dài, có chỉ đạo quyết liệt từ Chủ tịch tỉnh Lào Cai, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được công bố, làm rõ, phải chăng các sai phạm của Công ty cổ phần thuỷ điện Vietracimex Lào Cai đang có dấu hiệu “chìm xuồng”?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau 12 năm cổ phần hoá, Vietracimex đã có trên 20 Công ty, Xí nghiệp trực thuộc trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam. Doanh nghiệp này dù xuất thân là xây dựng giao thông, nhưng được biết đến nhiều hơn với một loạt dự án đình đám trong lĩnh vực bất động sản, thủy điện, golf, bột đá, bột giấy…

Tuy nhiên, rất nhiều dự án của Vietracimex đều “lùm xùm” và gây bức xúc dư luận, trong đó có Dự án BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài nhưng thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Vĩnh Yên (một dự án cách đó 40km)…

Cùng chuyên mục
Tin khác