Metro TP.HCM cần vốn 37,45 tỷ USD và tác động nợ công
(VNF) - Để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 183km đường sắt đô thị, Đề án Phát triển đường sắt đô thị của TP. HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. UBND TP. HCM cho biết nhu cầu vốn thực hiện đề án là khoảng 37,45 tỷ USD.
Trục “xương sống” của hạ tầng giao thông TP. HCM
TP. HCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 31km, 24 nhà ga cùng 2 depot. Năm 2035, TP. HCM lên kế hoạch tiếp tục hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 183km, 148 nhà ga. Đến năm 2045, TP. HCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351km đường sắt đô thị. Năm 2060, dự kiến toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị 10 tuyến, tổng chiều dài 510km sẽ được hoàn thành.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 183km đường sắt đô thị, Đề án Phát triển đường sắt đô thị của TP. HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.
Cụ thể, đề án đề xuất cho phép TP. HCM phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành. Đặc biệt, đề xuất cho phép TP. HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với lãi suất ưu đãi.
Đề án cũng đề xuất cho phép TP. HCM thành lập Tổng Công ty Đường sắt đô thị do TP. HCM nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của tổng công ty... Dự kiến đề án được trình Quốc hội và Chính phủ tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Nhu cầu vốn 37,45 tỷ USD và tác động nợ công
Vào tháng 10/2024, UBND TP. HCM có văn bản gửi Bộ Tài chính báo cáo phục vụ đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn. Theo UBND TP. HCM, nhu cầu vốn thực hiện đề án đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 37,45 tỷ USD. Số tiền này nhằm hoàn thiện 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 183 km.
Cụ thể, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 22,3 tỷ USD, trong đó ngân sách địa phương 7,18 tỷ USD, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 6,88 tỷ USD, vốn trung ương hỗ trợ 6,48 tỷ USD và vốn BT trả chậm 1,76 tỷ USD.Trong giai đoạn 2030 - 2035 cần 15,15 tỷ USD, gồm ngân sách địa phương 9,54 tỷ USD, vốn trung ương hỗ trợ 3,19 tỷ USD và vốn BT trả chậm 2,41 tỷ USD.
Trên cơ sở sẵn sàng đáp ứng các mục tiêu dự thảo quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ), TP. HCM đã xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của TP. HCM khoảng 62,59 tỷ USD (1.502.207 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn cho đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM là 21,755 tỷ USD (tỷ lệ khoảng 34,76%).
Để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP. HCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP. HCM để thực hiện đề án. Việc TP. HCM giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương nêu trên vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương theo dự toán thu được Quốc hội giao.
Về tính khả thi huy động vốn, theo UBND TP. HCM, các khoản tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn thu phân chia theo tỷ lệ trung ương 79% và TP. HCM 21%. Phần tăng thu của trung ương sẽ điều tiết về ngân sách trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thưởng vượt dự toán. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị, TP. HCM đề xuất giữ lại số tăng thu này để làm đề án. Việc này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương.
Theo đề án, TP. HCM cũng dự kiến thu về khoảng 6,5 tỷ USD từ đấu giá các khu đất xung quanh nhà ga thuộc các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5.
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, TP. HCM dự kiến sử dụng từ 10 - 40%/ năm trong nguồn vốn đầu tư công hằng năm để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Đồng thời phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Việc thực hiện đề án này không ảnh hưởng đến nguồn cải cách tiền lương của địa phương, bởi theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP. HCM phải bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, phần còn dư mới bố trí cho đầu tư phát triển.
Liên quan đề xuất của TP. HCM, theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, cần làm rõ đây là khoản thu vượt ổn định hằng năm hay thu bất thường. Bởi khái niệm thu vượt của ngân sách không hiểu như doanh nghiệp thông thường là giao chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận hằng năm vượt và được thưởng.
TS. Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Nghiên cứu hạ tầng giao thông, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, dẫn chứng ở các nước nói chung, nguồn thu ngân sách được tái sử dụng một phần để phát triển cho địa phương, ví dụ đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục... nhằm tạo tính hấp dẫn cho địa phương và tạo nguồn thu cho tương lai.
Do đó, theo TS. Hùng, UBND TP. HCM được giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng để thực hiện đề án phát triển đường sắt đô thị là điều cần thiết nhằm góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tạo cơ hội nuôi dưỡng nguồn thu.
Trong việc huy động nguồn lực từ trái phiếu, đấu giá đất, TS. Dương Như Hùng lưu ý để tránh ảnh hưởng việc trả lãi trái phiếu kéo dài tạo gánh nặng cho ngân sách, thành phố cần kiểm soát tốt tiến độ cũng như chất lượng đầu tư, quyết tâm không kéo dài thời gian đầu tư như tuyến metro số 1.
KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý cần có tư duy khác, cách làm khác cách làm hiện nay. Ông Sơn cho rằng để làm đường sắt đô thị cần một tổ hợp đa ngành với nhiều vấn đề nằm ngoài tầm Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM. Việc giải phóng mặt bằng, đền bù xong toàn tuyến mới khởi công. Nếu công tác đền bù chưa thực hiện xong mà khởi công thì giải quyết câu chuyện đền bù rất khó khăn bởi sau khi khởi công, giá đất sẽ tăng lên từng ngày, từng giờ. Thời gian giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư sẽ kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
Phát hành trái phiếu đường sắt đô thị
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn mãi đã kêu gọi người dân chung tay trong việc triển khai các dự án lớn, trong đó có dự án đường sắt đô thị. Với tổng vốn đầu tư có thể lên tới hàng chục tỷ USD, dự kiến thành phố sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị, cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ lưỡng để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro, kết hợp với những tác động tích cực của dự án lên kinh tế-xã hội, tạo nguồn kinh phí tốt để trả lại lợi ích cho người dân. Lãi suất trái phiếu sẽ do thành phố tự quyết định, dựa trên khả năng thanh toán và trả nợ.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TP. HCM
- Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Dự án đầu tư công lớn nhất lịch sử 30/10/2024 07:30
- 'Đã đến lúc xây đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam' 30/10/2024 07:00
- Đường sắt tốc độ cao: DN sẵn sàng bước vào cuộc chơi lớn 29/10/2024 07:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.