Ngân hàng Trung Quốc ‘ngậm ngùi’ trả lại tiền dù hàng đã đến Nga
(VNF) - Một báo cáo cho biết một số ngân hàng Trung Quốc đang trả lại tiền cho những lô hàng đã đến bờ biển Nga.
Việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với những bên hỗ trợ nỗ lực chiến sự của Nga thực sự đang khiến một số ngân hàng Trung Quốc lo sợ.
Hãng tin Izvestia của Nga đưa tin rằng những ngân hàng Trung Quốc không chỉ từ chối xử lý các giao dịch thương mại với Nga mà một số thậm chí còn trả lại tiền cho những hàng hóa đã được vận chuyển.
Ông Ekaterina Kizevich, Tổng giám đốc điều hành của Atvira, một công ty tư vấn thương mại nước ngoài của Nga, nói với Izvestia rằng các ngân hàng Trung Quốc này sẽ trả lại tiền nếu họ không thể xác nhận liệu hàng hóa có nằm trong diện hạn chế thương mại hay không.
Ông Kizevich cho biết thêm rằng các ngân hàng Trung Quốc quá chú trọng vào việc tuân thủ đến mức một số khoản thanh toán vẫn bị trả lại ngay cả sau khi hàng hóa đã đến bờ biển Nga.
Tin tức này được đưa ra một tuần sau khi Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ công bố các hạn chế mới đối với 400 cá nhân và tổ chức vì đã hỗ trợ các nỗ lực chiến sự của Nga tại Ukraine. Trong số đó có các công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông.
Trung Quốc cho biết họ "rất không hài lòng" và "kiên quyết phản đối" những hạn chế mới.
Mặc dù vậy, các ngân hàng Trung Quốc thà an toàn còn hơn phải hối tiếc khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Không rõ các nhà xuất khẩu Trung Quốc và khách hàng Nga của họ giải quyết vấn đề thanh toán bị trả lại và phải trả lại hàng hóa thế nào nếu đã được vận chuyển và giao.
Bên cạnh đó, theo ông Kizevich, hàng hóa nhập khẩu mất nhiều thời gian hơn ở cảng và kho bãi, làm tăng thêm chi phí hậu cần.
Ông Nikolai Dunaev, phó chủ tịch của Opora Russia - một tổ chức dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói với Izvestia rằng hiện nay, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ chỉ giao hàng cho khách hàng mới ở Nga sau khi thanh toán đã được xác nhận. Việc trả trước cho hàng nhập khẩu thường làm tăng rủi ro và ảnh hưởng đến dòng tiền của người mua.
Nhưng các doanh nghiệp Nga có vấn đề lớn hơn. Một số ngân hàng Trung Quốc quá sợ các hạn chế đến nỗi đôi khi họ không xử lý thanh toán cho các mặt hàng không bị trừng phạt. Izvestia đưa tin rằng các ngân hàng cũng chú ý nhiều hơn đến các khoản thanh toán từ Nga đi qua các nước thứ ba.
Điện Kremlin đã thừa nhận những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến giao dịch thanh toán với Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngày 29/8, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, cho hay Moscow và Bắc Kinh đang giải quyết các vấn đề thanh toán ảnh hưởng đến thương mại.
"Quan hệ thương mại và kinh tế rất phong phú. Với khối lượng như vậy và với môi trường không thân thiện như vậy, không thể tránh khỏi một số tình huống có vấn đề", ông Peskov cho biết.
Kể từ khi đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, Nga và các đối tác thương mại của nước này đã lách lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng các ngân hàng nhỏ hơn và các phương thức thanh toán khác hoặc các loại tiền tệ không phải USD để tránh lệnh cấm của phương Tây đối với một số ngân hàng Nga tham gia hệ thống nhắn tin SWIFT được sử dụng rộng rãi.
Nhưng cánh cửa giải quyết này đã đóng lại kể từ tháng 12/2023, khi Mỹ chấp thuận các lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào các tổ chức tài chính đang giúp đỡ Nga.
Nga hiện đang gấp rút thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, bao gồm cả tiền điện tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
Reuters đưa tin đầu tháng này rằng Nga và Trung Quốc thậm chí còn có kế hoạch khôi phục lại hoạt động trao đổi hàng hóa truyền thống lâu đời để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dính 'đòn kép' của Mỹ: Dòng tiền Nga - Trung ngày càng nhức nhối
Nhà phố trên 'đất vàng' Hà Nội, bỏ trống hàng loạt vì 'ế' khách thuê
(VNF) - Nhiều căn nhà mặt phố đường Kim Mã (Hà Nội) hiện nay vẫn để không từ nhiều tháng nay vì không tìm được khách thuê.