Mỹ cáo buộc gián điệp Trung Quốc cản trở truy tố ‘ông lớn’ viễn thông, nghi là Huawei
Thuỷ Bình -
25/10/2022 11:54 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Tư Pháp Mỹ mới đây đã buộc tội 2 công dân Trung Quốc là nhân viên tình báo cản trở việc truy tố án hình sự với một “gã khổng lồ” công nghệ của Bắc Kinh. Đáng chú ý, “ông lớn” công nghệ phía Mỹ nhắc tới được cho là tập đoàn Huawei.
Ngày 24/10, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội hai người được cho là nhân viên tình báo Trung Quốc cố gắng cản trở cuộc điều tra hình sự nhằm vào một công ty viễn thông toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc. Hai người này được xác định là 2 người đàn ông có tên Guochun He và Zheng Wang.
Đơn kiện của Bộ Tư pháp cáo buộc rằng vào năm 2019, ông He và ông Wang đã hối lộ một nhân viên tại cơ quan thực thi pháp luật Mỹ 61.000 USD để đánh cắp thông tin bí mật về việc truy tố hình sự của một công ty viễn thông Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Merrick Garland, nhân viên nhận hối lộ là một điệp viên “hai mang” làm việc cho Cục Điều tra Liên bang, cung cấp cho các gián điệp Trung Quốc các thông tin giả về chiến lược truy tố, bằng chứng xét xử, thông tin nhân chứng và thông tin về các cáo buộc mới có khả năng chống lại công ty Bắc Kinh.
Trong bản cáo trạng của mình, Bộ Tư pháp xác định hai người đàn ông Guochun He và Zheng Wang là các sĩ quan tình báo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bộ trưởng Garland thông báo về vụ việc: “Đây là một nỗ lực nghiêm trọng của các sĩ quan tình báo Trung Quốc nhằm che chắn một công ty có trụ sở tại Trung Quốc không chịu trách nhiệm giải trình và làm suy yếu tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp của chúng tôi”.
Đáng chú ý, dù Bộ Tư pháp không nêu tên công ty bị Mỹ điều tra, nguồn tin từ Bloomberg và Reuters đều cho rằng thực thể này là tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc. Huawei từng bị truy tố ở New York vào năm 2019 với cáo buộc gian lận và vào năm 2020 với tội danh âm mưu ăn cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ.
Trước thông tin cho rằng Huawei là công ty viễn thông trong vụ án hình sự của Mỹ, đại diện tập đoàn không đưa ra bình luận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng không đưa ra phát ngôn về vụ việc.
Cũng trong ngày 24/10, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cũng thông báo về những vụ án hình sự khác, qua đó đó ông Garland bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào công việc của Mỹ, và đã thảo luận về 13 cá nhân mà Mỹ cho là đã hành động “bất hợp pháp” thay mặt cho chính phủ Trung Quốc.
Cụ thể, theo một bản cáo trạng khác ông Garland công bố đến từ New Jersey, trong đó buộc tội 4 người, gồm 3 sĩ quan tình báo Trung Quốc đã âm mưu hoạt động tại Mỹ với vỏ bọc là điệp viên nước ngoài từ năm 2008 – 2018.
Các cá nhân này sử dụng vỏ bọc của một viện hàn lâm có trụ sở tại Thanh Đảo, Trung Quốc, để tuyển dụng các cá nhân ở Mỹ nhằm “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tình báo của CHND Trung Hoa”.
Đáp lại cáo buộc này, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng “các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế” trong nỗ lực hồi hương những người đào tẩu, cho rằng “Mỹ đã ngăn cản những yêu cầu của Trung Quốc trong những năm gần đây về sự hợp tác hồi hương những người đào tẩu”.
Kể từ tháng 9/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành ít nhất 7 cáo trạng và khiếu nại cáo buộc các cá nhân hành động bất hợp pháp nhân danh Bắc Kinh. Các cáo buộc bao gồm từ gián điệp đến quấy rối những người chỉ trích chính phủ Trung Quốc.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone