Tài chính quốc tế

Mỹ kêu gọi Nga rút quân khỏi Nam Ossetia và Abkhazia ‘trước khi cuộc chiến nổ ra’

(VNF) - Phát biểu trước báo giới ngày 7/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố Mỹ ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Georgia trong khuôn khổ đường biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận và “kêu gọi Nga rút lực lượng về vị trí đồn trú cũ trước khi cuộc chiến nổ ra”.

Mỹ kêu gọi Nga rút quân khỏi Nam Ossetia và Abkhazia ‘trước khi cuộc chiến nổ ra’

Mỹ kêu gọi Nga rút quân khỏi Nam Ossetia và Abkhazia.

Cùng ngày, trong cuộc họp bàn tròn giữa các quan chức chính phủ Georgia với ngoại trưởng Latvia, Litva, Ba Lan và phó thủ tướng Ukraine, Tổng thống Georgia Giorgi Margvelashvili cho rằng hành động can thiệp quân sự của Nga vào Nam Ossetia và Abkhazia từ ngày 8/8/2008 là "cuộc xâm lược".

Ông Giorgi nói Nga đang tiến hành "cuộc chiến nhằm vào Georgia, cũng là hành vi chiếm đóng lãnh thổ, vi phạm luật pháp quốc tế”.

Nam Ossetia và Abkhazia vồn là 2 khu vực đòi độc lập, tách ra từ Georgia. Đầu tháng 8/2008, quân đội Georgia mở cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát vùng ly khai Nam Ossetia.

Tổng thống Georgia Giorgi Margvelashvili.

Quân đội Nga đã quyết định triển khai chiến dịch quân sự chống Georgia nhằm bảo vệ người dân tại Nam Ossetia, trong số này có nhiều người mang quốc tịch Nga. Chiến sự kết thúc sau 5 ngày bằng lệnh ngừng bắn do cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất.

Tới ngày 26/8/2008, Moscow chính thức công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia. Chính quyền các nước cộng hòa này sau đó đã chuyển sang sử dụng đồng Rúp và phần lớn ngân sách của đất nước là do Nga cung cấp.

Các nhà lãnh đạo Nga nhiều lần tuyên bố rằng việc công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai này là quyết định phản ánh tình hình thực tế và không thể đảo ngược.

Vị trí hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia trên bản đồ. (Bản đồ: Wikipedia).

Georgia cắt quan hệ ngoại giao với Nga từ năm 2008 và bắt đầu hợp tác với NATO từ năm 1994 khi quốc gia này trở thành thành viên của chương trình Đối tác vì Hòa bình. Sau cuộc Cách mạng Hoa hồng năm 2004, NATO và Georgia hợp tác chặt chẽ hơn nữa và tới tháng 4/2008, NATO xác nhận Gruzia có thể trở thành thành viên của tổ chức này nếu đạt đủ các điều kiện.

Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định việc Nga triển khai chiến dịch quân sự chống Georgia vào tháng 8/2008 không nhằm mục đích đập tan Georgia hay trừng phạt Tổng thống Gruzia khi ấy là ông Mikheil Saakashvili.

Moscow đã ngừng cuộc tấn công khi xe tăng của quân đội Nga chỉ cách thủ đô Tbilisi của Gruzia vài chục km. “Tôi tin rằng tôi đã làm điều đúng đắn khi quyết định thể hiện sự kiềm chế và không thúc đẩy thêm các hoạt động quân sự”, ông Medvedev nói.

Một sĩ quan cảnh sát Georgia tại đường ranh giới hành chính với Nam Ossetia.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh việc đưa ra quyết định kiềm chế như vậy không chỉ giúp tình hình trong khu vực lắng dịu mà còn xoa dịu tình hình quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây.

Mới đây, sau khi có thông tin NATO muốn thu nạp Georgia vào liên minh quân sự, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo đanh thép rằng động thái này sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

“Gần đây, Georgia được đưa vào danh sách quốc gia có thể được kết nạp vào NATO. Có thể bình luận gì về điều này? Đây đương nhiên là động thái hoàn toàn vô trách nhiệm, là mối đe dọa đối với hòa bình”, RT dẫn lời Thủ tướng Nga Medvedev trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Kommersant (Nga) ngày 6/8.

“Đối với chúng tôi, Abkhazia và Nam Ossetia độc lập và chúng tôi có quan hệ hữu nghị với họ, chúng tôi có căn cứ quân sự tại đây”. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng quyết định kết nạp Georgia của NATO có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khi quốc gia khác tiếp tục coi Abkhazia và Nam Ossetia là lãnh thổ của mình.

Xem thêm >> Mật độ lưu thông trên cầu Kerch nối Crimea với lục địa Nga lập kỷ lục mới

Tin mới lên