Tài chính quốc tế

Nga tuyên bố hoàn thành sáp nhập Crimea, EU lập tức ra đòn trừng phạt

(VNF) - Ngày 30/7, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố cộng hòa Crimea thuộc Nga đã sáp nhập hoàn toàn với Liên bang Nga. Chỉ sau đó một ngày, Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh trừng phạt mới nhằm vào 6 công ty của Nga vì có liên quan tới việc xây dựng cây cầu nối liền Bán đảo Crimea và Nga.

Nga tuyên bố hoàn thành sáp nhập Crimea, EU lập tức ra đòn trừng phạt

EU trừng phạt 6 công ty của Nga vì có liên quan tới việc xây dựng cây cầu nối liền Bán đảo Crimea và Nga.

Những công ty này bao gồm Viện thiết kế Giprostroymost-St. Petersburg, công ty xây dựng PJSC Mostotrest, CJSC VAD, Tập đoàn Stroygazmontazh, Stroygazmontazh-Most và nhà máy đóng tàu Zaliv.

Những biện pháp trừng phạt bao gồm, đóng băng tài sản thuộc các công ty trên ở EU, cấm các cá nhân và pháp nhân đăng ký tại EU cung cấp cho các công ty trên bất cứ khoản đầu tư nào. Nga đã lên án các biện pháp này, cho rằng EU đang chống lại chính người dân của Crimea.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/5 đã tham dự lễ khánh thành cây cầu trị giá 228 tỷ rúp (3,69 tỷ USD) bắc qua eo biển Kerch, nối vùng Krasnodar ở miền nam Nga với Crimea sau 4 năm sáp nhập.

Với chiều dài 19 km, cầu Crimea đã trở thành cây cầu dài nhất tại châu Âu.

Với chiều dài 19 km, cây cầu này phá vỡ kỷ lục của cầu Vasco da Gama ở Bồ Đào Nha để trở thành cầu dài nhất châu Âu.

Công trình này được xem là một dự án có tính biểu tượng lớn đối với nước Nga, đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào đường hàng hải khi di chuyển giữa miền nam Nga với Crimea.

Ngay từ khi Nga tiến hành xây dựng cây cầu này đã gây nhiều tranh cãi vì hầu hết quốc gia Liên hiệp quốc (LHQ) vẫn công nhận Crimea là lãnh thổ của Ukraine mặc dù nó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đã lên án việc Nga khánh thành cầu vượt eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea là “hành động xâm phạm chủ quyền của Ukraine”.

Crime đã hoàn toàn sáp nhập vào Nga

Phát biểu trước chính quyền thành phố Sevastopol ngày 30/7, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 30/7 cho biết Crimea đã hoàn thành sáp nhập với Nga về mặt kinh tế, cơ sở hạ tầng và tư pháp.

“Chúng tôi đã đối mặt với một nhiệm vụ chưa từng trải qua cả về quy mô lẫn mức độ khó khăn. Chúng tôi đã phải sáp nhập hệ thống luật pháp, cơ sở hạ tầng và kinh tế của bán đảo Crimea với toàn nước Nga. Hiện tại, chúng tôi có thể tuyên bố rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua và chúng tôi đã bắt đầu một chế độ ổn định hơn và được lên kế hoạch kỹ lưỡng”, ông Medvedev nói.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Vị Thủ tướng Nga tiết lộ trong quá trình sáp nhập Crimea, Nga đã bắt tay xây dựng lại hàng loạt các công trình quan trọng như hệ thống lưới điện, hệ thống cấp nước, hệ thống năng lượng và mạng lưới giao thông.

“Cơ sở vật chất và đường xá trên bán đảo không được tu sửa từ thời kỳ Liên Xô và chúng gần như đã xuống cấp trầm trọng. Mục tiêu chủ chốt của chúng tôi là tạo nên điều kiện sống tốt hơn cho người dân trên bán đảo”, ông Medvedev nói.

Crimea được sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

Crimea được sáp nhập vào Nga sau chiến dịch quân sự thần tốc của Moscow và một cuộc trưng cầu dân ý tại đây hồi đầu năm 2014. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn xem Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, đồng thời kéo theo một loạt các lệnh trừng phạt dành cho Moscow.

Lãnh đạo nước Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng người dân Crimea đã bỏ phiếu quay về sát nhập với Nga bằng con đường dân chủ, hoàn toàn phù hợp với quyền quốc tế và Hiến chương LHQ.

Xem thêm >> Thâm hụt ngân sách phình to, Mỹ vay nợ kỷ lục

Tin mới lên