Nghiên cứu tiếp tục triển khai dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng từ Quảng Ninh đến Hà Nội

Hà Thạch - 21/10/2022 20:29 (GMT+7)

(VNF) - Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai nhằm sớm đưa dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân vào khai thác.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131 km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên (Gia Lâm - Hà Nội) điểm cuối tại cảng Cái Lân (Hạ Long - Quảng Ninh). Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Khởi công từ năm 2005, dự án đã bị đình hoãn vào năm 2011. Đến nay việc triển khai tiếp dự án này vẫn đang còn bị bỏ ngỏ, chưa có bên nào có câu trả lời.

Đường tàu đã lâu không hoạt động, cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ bị hư hỏng 

Đến nay, sau 17 năm thực hiện dự án, theo ghi nhận của PV, Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - Cái Lân đã hoàn thành và đưa vào khai thác; 3 tiểu dự án còn lại là Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long đã triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục trên tuyến.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GTVT tiếp tục xác định hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030. 

Vừa qua, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai nhằm sớm đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư. Sau đó Bộ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền để triển khai đầu tư sau khi có kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể dự án.

Việc Dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến các hộ dân dọc tuyến đường. Các hộ dân trong phạm vi dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không được tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất... ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống các hộ dân.

Nếu theo đúng quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 thì hàng nghìn hộ dân sẽ tiếp tục phải thấp thỏm chờ đợi, không chỉ 4 năm mà có thể là 8 năm nữa.

Cùng chuyên mục
Tin khác