Nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm cao tốc Bắc - Nam: 'Chúng ta không được phân biệt đối xử'

Trần Lưu - 17/05/2019 14:27 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam là điều hoàn toàn bình thường. Nhà đầu tư Trung Quốc giống như các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác, vì thế không nên phân biệt đối xử.

VNF
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư -·Bộ Giao thông vận tải

Sáng 17/5, Bộ GTVT tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trả lời câu hỏi của VietnamFinance về việc dư luận đang quan ngại về việc có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Danh Huy cho rằng chúng ta đang sống trong một đất nước pháp quyền và chúng ta phải làm theo luật.

Theo ông Huy, Việt Nam có Luật Điều ước quốc tế, trong đó quy định nếu Việt Nam là thành viên của bất kể một tổ chức quốc tế nào thì phải làm theo quy định điều ước quốc tế đã ký. Hiện Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và theo quy định của tổ chức này, các quốc gia thành viên đều có một bộ quy chế mua sắm của Chính phủ (GPA), trong đó yêu cầu tất cả các nước thành viên không được phân biệt đối xử với bất kể một quốc gia nào. 

"Việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam là điều hoàn toàn bình thường, giống như các nhà đầu tư trong nước hay các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác, vì thế chúng ta không được phân biệt đối xử", ông Huy nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, vấn đề dư luận quan tâm đó là chất lượng và tiến độ. Vì thế cơ quan nhà nước có thầm quyền cần đưa ra được một bộ hồ sơ mời thầu cũng như một hợp đồng quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng để đảm bảo tất cả các nhà đầu tư khi tham gia vào phải cung cấp được dịch vụ tốt nhất, đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng cho toàn bộ dự án. Đây là điều quan trọng hơn việc nhà đầu tư đến từ quốc gia nào.

Việc người dân lo ngại các dự án do Trung Quốc thực hiện sẽ giống như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh người dân cần phân biệt rõ: nhà thầu và nhà đầu tư là hoàn toàn khác nhau.

Chỉ khi lựa chọn nhà đầu tư xong thì nhà đầu tư mới được chọn nhà thầu và theo Điều 5 của Luật Đấu thầu, nhà thầu được nhà đầu tư lựa chọn phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam.

Ông Huy cũng cho rằng các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có đủ cơ hội đối với dự án cao tốc Bắc - Nam. Thậm chí, các nhà đầu tư trong nước còn có nhiều cơ hội hơn do họ thông thuộc về địa hình, địa chất, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và luật pháp của Việt Nam.

Giải thích thêm về chi tiết trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm, ông Nguyễn Danh Huy cho hay  Bộ GTVT đã tính đến việc những nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét... số lượng rất hạn chế.

Luật Đấu thầu cũng cho phép các nhà đầu tư liên danh với các nhà đầu tư khác (trong và ngoài nước) để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, tiêu chí này không làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thông tin: đến trước khi hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 diễn ra thì đã có hơn 50 nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài mua hồ sơ sơ tuyển. Trong đó, các nhà đầu tư trong nước chiếm hơn một nửa, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 45%, bao gồm các quốc gia như Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

"Đây là tín hiệu đáng mừng vì nó thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài dành nhiều quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam", ông Huy cho biết.

Cùng chuyên mục
Tin khác