'Ðóng băng' biệt thự Tam Ðảo của Trịnh Xuân Thanh

Xuân Ân - 27/08/2018 11:30 (GMT+7)

Ngày 28/8, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX). Cùng với việc thực hiện các bước tố tụng, cơ quan điều tra cũng đề nghị tạm ngừng mọi giao dịch đối với biệt thự Tam Ðảo của Trịnh Xuân Thanh – người mang 2 án tù chung thân.

VNF
Biệt thự trên khu đất rộng 3.400m2 tại Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) của Trịnh Xuân Thanh.

Ứng tiền trái quy định

Trong khi điều tra vụ án kinh tế - tham nhũng tại PVTEX, Cơ quan điều tra xác định, năm 2009, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) ký hợp đồng thi công một số hạng mục thuộc Dự án nhà máy Polyester Đình Vũ. Quá trình thực hiện, Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC.KBC đề xuất và được Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch PVC) cho tạm ứng 25 tỷ đồng trái quy định.

Thay vì dùng số tiền này vào dự án Polyester, Đỗ Văn Hồng đã mua 3.400m2 đất tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đứng tên chủ sở hữu là PVC.KBC. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Hồng làm thủ tục chuyển mảnh đất này cho Cty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỷ đồng nhưng “nợ” 3 tỷ đồng.

Để hợp thức việc tạm ứng sai quy định, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển 21 tỷ đồng trong số 25 tỷ đồng tạm ứng sai thành tiền PVC góp vốn vào PVC.KBC. Theo điều tra, hành vi của Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT không đủ điều kiện kết luận nội dung này.

Cuối năm 2017, Cơ quan điều tra cũng tiến hành kê biên với biệt thự tại khu đất ở Tam Đảo nói trên của Trịnh Xuân Thanh. Tháng 6/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hủy bỏ quyết định này nhưng gửi công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị chức năng tạm ngừng việc giao dịch, chuyển nhượng thửa đất.

Để giải quyết toàn diện vụ án PVTEX, ngày 26/6, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có công văn đề nghị Cơ quan An ninh điều tra khẩn trương làm rõ, xác minh những dấu hiệu sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hồng trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định để mua biệt thự tại thị trấn Tam Đảo.

Tạm ứng vượt khối lượng thi công

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Dự án nhà ở cho cán bộ, nhân viên PVTEX có tổng mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng từ vốn vay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và vốn điều lệ của PVTEX. Năm 2009, Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch PVTEX đã chỉ định PVC thực hiện dự án. Sau đó, do chủ trương của PVN, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc PVTEX quyết định thay đổi nhà thầu từ PVC sang liên danh PVC.KBC và Công ty Cổ phần Thiết kế quốc tế HEERIM.PVC.

Khi đó, cả 2 công ty này đều mới thành lập, không đáp ứng được nhiều yêu cầu tối thiểu để thi công công trình. Như vậy, việc các bị can Hiếu, Duy lựa chọn liên danh PVC.KBC và HEERIM.PVC đã vi phạm các quy định của Chính phủ. Quá trình thực hiện, các đối tượng cũng tự thay đổi thiết kế dự án từ nhà chung cư thành nhà liên kế.

Năm 2011, dù đang nợ hơn 5 tỷ đồng tạm ứng nhưng Đỗ Văn Hồng vẫn đề nghị PVTEX cho ứng thêm 20 tỷ đồng để thực hiện dự án. Các bị can Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy, Đào Ngọ Hoàng - nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX, Vũ Phương Nam - nguyên Kế toán trưởng PVTEX đều biết việc này trái quy định nhưng đã hợp thức hồ sơ, chuyển 20 tỷ đồng cho PVC.KBC.

Nhận tiền, Hồng sử dụng sai mục đích, không dùng cho hoàn thiện dự án như cam kết. Tháng 3/2012, Hồng dừng thi công, rút người và phương tiện ra khỏi công trường và bị PVTEX đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng vào năm 2014. Đến năm 2015, PVC.KBC còn nợ PVTEX hơn 19 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. Hành vi của các bị cáo còn khiến dự án bị xuống cấp, lãng phí nghiêm trọng buộc UBND TP Hải Phòng phải thu hồi đất.

Vì vậy, các bị can Trần Trung Chí Hiếu, Đỗ Văn Hồng, Đào Ngọ Hoàng, Vũ Phương Nam bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

>>> Xem thêm: Đề nghị thu hồi dự án Nam Đàn Plaza liên quan Trịnh Xuân Thanh

Nhận hối lộ tiền tỷ

Ngoài ra, Đỗ Văn Hồng chủ động khai báo đã hối lộ Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 3 tỷ đồng qua việc góp cổ phần khi thành lập công ty mới. Cụ thể, năm 2010, Duy trao đổi với Hồng việc liên kết thành lập Công ty Cổ phần PVTEX Kinh Bắc để sản xuất ống sợi, thùng caton và sẽ được PVTEX bao tiêu đầu ra.

Các đối tượng thống nhất, Hồng góp 21 tỷ đồng tương ứng 70% vốn, PVTEX góp 3 tỷ đồng bằng thương hiệu ứng với 10%. Số vốn còn lại, Duy yêu cầu Hồng nộp cho mình và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 10% tức 3 tỷ đồng/người. Đỗ Văn Hồng đồng ý và cho người nhà đứng tên cổ phần của Hiếu, Duy. Phần mình, bị can Hiếu thấy không phải góp tiền nhưng vẫn có 10% nên nhanh chóng gửi công văn tới PVN xin thành lập PVTEX Kinh Bắc.

Năm 2011, Vũ Đình Duy nói PVTEX cần tăng vốn điều lệ tại PVTEX Kinh Bắc lên 51% để nắm quyền chi phối. Vì vậy, Đỗ Văn Hồng đã chỉ đạo người nhà làm thủ tục thoái vốn, bán các cổ phần đứng tên hộ Duy và Hiếu. Vũ Đình Duy cũng duyệt chi tiền của PVTEX để mua lại số cổ phần này. Sau chuyển nhượng, người thân của Hồng đã chuyển cho Duy và Hiếu mỗi người 3 tỷ đồng, các đối tượng đã chiếm hưởng sử dụng.

VKSND tối cao đã truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” với nguyên Chủ tịch PVTex Trần Trung Chí Hiếu. Trong khi đó, Ðỗ Văn Hồng còn khai từng phải chi cho Vũ Ðình Duy hơn 8,8 tỷ đồng để sửa nhà. Tuy nhiên, hiện Duy đang bị truy nã nên CQÐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Ðể giải quyết toàn diện vụ án PVTEX, ngày 26/6, VKSND tối cao đã có công văn đề nghị cơ quan ANÐT khẩn trương làm rõ, xác minh những dấu hiệu sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, Ðỗ Văn Hồng trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định để mua biệt thự tại thị trấn Tam Ðảo.

Theo Tiền phong
Cùng chuyên mục
Tin khác