‘Ông chủ’ BOT QL 19 ‘khóc ròng’ vì phải bù lỗ 157 tỷ đồng

Đức Thọ - 27/10/2019 18:46 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 cho biết: Sau 3 năm thu phí BOT QL 19 đoạn Gia Lai – Bình Định, nhà đầu tư đang phải bù lỗ tới 157 tỷ đồng. Dù lỗ như vậy, nhưng dự án vẫn không được tăng phí.

VNF

‘Cái khó’ của BOT QL 19

Ông Giáp cũng cho hay, tính đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư cho dự án BOT Quốc lộ 19 là 1.460 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dự án là 20 năm 6 tháng 19 ngày. Trong đó, dự án BOT Quốc lộ 19 đoạn Gia Lai – Bình Định có số tiền thu phí năm 2018 là 123,4 tỷ đồng, giảm 5,4 tỷ đồng so với năm trước đó. 

“Năm vừa rồi chúng tôi phải bù lỗ cho BOT quốc lộ 19 là 138 tỉ đồng. Không phải cứ dự án BOT là ngon lành”, ông Giáp nói.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, một trong những nguyên nhân khiến BOT QL 19 “lỗ” đó là do các Thông tư can thiệp của một số Bộ, ngành gây ảnh hưởng tới hợp đồng kinh tế của dự án,

Cụ thể, ngày 15/9/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 146/2015 giảm giá phí so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159 ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013 là nguyên nhân phá vỡ phương án tài chính ban đầu của hợp đồng BOT.

Đến ngày 12/9/2016, Bộ Tài chính lại ban hành Thông tư 136 quy định mức thu phí đường bộ mới giảm so với mức thu phí tại Thông tư 146/2015. Một lần nữa, doanh thu từ việc thu phí của dự án BOT QL19 tiếp tục giảm thêm khoảng 14 tỷ đồng (tính đến 30/9/2018).

Trong khi đó, theo điều khoản phụ lục hợp đồng BOT, mỗi năm dự án tăng giá thu phí 3% và 3 năm tăng giá một lần tương đương 9%. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm thu phí dự án vẫn chưa được tăng giá vé do yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

“Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ, doanh nghiệp dự án còn phải ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ GTVT về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu phí, khiến dự án sụt giảm thêm khoảng 5% doanh thu thu phí”, đại diện BOT QL 19 cho biết.

BOT và gánh nặng "nợ xấu"

Trong báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, tính đến ngày 31/3/2019, có 24 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.

Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng, đây có thể trở thành nợ xấu khó xử lý trong thời gian tới.

Tuy nhiên, e rằng con số nợ xấu này sẽ tiếp tục tăng lên khi hàng loạt các BOT cũng đang khó khăn và không đạt mức thu như đã ký kết trong hợp đồng kinh tế với ngân hàng.

Ngoài ra, đây cũng là tiền lệ xấu dẫn đến việc ngân hàng sẽ không “mặn mà” với các BOT đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nếu không phương án giải quyết sớm, những “con nợ xấu” BOT sẽ gây khó cho các ngân hàng, đồng thời, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội đất nước.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác