Ông Nguyễn Văn Đính: 'Đất nhiều làng xã tuần trước khảo sát, tuần sau giá đã tăng dựng ngược'

Lệ Chi - 25/11/2020 19:05 (GMT+7)

(VNF) -  Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết qua khảo sát đất đai tại một số làng, xã vùng Thạch Thất, Sơn Tây (Hà Nội)… có những làng, tuần trước vào khảo sát thì tuần sau giá đã tăng dựng ngược lên. Nhiều nơi thậm chí còn không có đầy đủ giấy tờ cũng được rao bán hay nhiều người chặt hết cây hoa quả, san lấp đất và cắm biển rao bán.

VNF
'Đất nhiều làng xã tuần trước khảo sát, tuần sau giá đã tăng dựng ngược' (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết đến hết quý III/2020, cả nước có 80.000 sản phẩm bất động sản được chào bán trên thị trường và trong số này khoảng 70% là lượng hàng tồn của năm trước chuyển sang năm 2020. Nguồn cung mới cả 3 quý chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm mới được chào bán ra thị trường.

Theo ông Đính, đây là con số khá khiêm tốn, so với năm 2019 chỉ đạt khoảng trên 35% và so với năm 2018 chỉ đạt 20%.

Như vậy, có sự sụt giảm khá lớn, trong đó kể cả phân khúc chung cư. Phân khúc chung cư trung cấp chiếm tỷ trọng lớn khoảng 75%, bình dân 10%, cao cấp chiếm 14% trong lượng cung đưa ra thị trường.

Cũng theo ông Đính, ngay trong quý I/2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến khiến cả thị trường gần như đóng băng, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14% và sang quý II tỷ lệ hấp thụ tăng lên đạt 37% và đạt 50% trong quý III.

“Có thể thấy, qua từng quý thấy được sự hồi lại, dự báo sang quý IV chỉ số này sẽ tốt hơn. Thị trường trở lại quy luật của mọi năm, càng về cuối năm giao dịch ghi nhận càng tốt hơn”, ông Đính nói.

Về giao dịch, ông Đính cho biết dòng sản phẩm trung cấp có mức giá khoảng 25 - 35 triệu đồng/m2 có tỷ lệ giao dịch rất cao, chiếm gần 75%. Trong khi đó, các căn hộ cao cấp với giá quá cao trên 50 triệu đồng/m2 lại tiêu thụ rất chậm, đặc biệt là tại Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm các diễn giả tại toạ đàm “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền” về việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản, Phó chủ tịch Hội môi giới cho rằng điều này khiến cho các thị trường truyền thống chậm lại, trong đó ảnh hưởng rõ nhất là ở Hà Nội và TP. HCM.

Tại TP. HCM, ông Đính thông tin vào năm 2019, chỉ có 2 dự án được cấp chủ trương đầu tư mới và khoảng 30 dự án đã có chủ trương, đã có cấp phép xây dựng, đã kiểm tra đủ điều kiện để cho phép đưa hàng ra thị trường. Còn ở Hà Nội chỉ khoảng 25 dự án đủ điều kiện để cho phép đưa hàng ra thị trường.

Không chỉ tại Hà Nội và TP. HCM, ông Đính cũng cho biếtq qua khảo sát tất cả địa phương có thị trường bất động sản đang phát triển cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Có nhưng địa phương có tốc độ phát triển chưa mạnh tối thiểu cũng có khoảng 20-30 dự án phải dừng lại để thanh tra, kiểm tra, thậm chí có tỉnh lên đến 50-60 dự án dừng lại thì lấy đâu ra nguồn hàng, nguồn cung mới”, ông nhấn mạnh.

“Rõ ràng khi thị trường khan nguồn cung trong khi lực cầu vẫn đang mạnh thì nhà đầu tư phải đi tìm các ‘vùng trũng’ ở nơi khác. Nhà đầu tư có tiền thì họ không thể ngồi yên được”, ông Đính nói.

Ông Đính cho biết thêm thời gian vừa rồi, qua khảo sát đất đai tại một số làng, xã vùng Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội)… có những làng, tuần trước vào khảo sát thì tuần sau giá đã tăng dựng ngược lên. Nhiều nơi còn không đầy đủ giấy tờ cũng được rao bán, thậm chí nhiều người chặt hết cây hoa quả, san lấp đất và cắm biển rao bán.

“Tuần này báo 1 triệu/m2 thì tuần sau kêu 1,7 triệu đồng/m2, rồi thời gian ngắn sau đã thấy lại lên 2 triệu đồng/m2”, ông Đính cho rằng đây là điều bất bình thường và nhấn mạnh xảy ra tình trạng này vì chính các nhà đầu tư khan nguồn quá nên mới đi tìm nơi đầu tư mới. Cùng với đó do thiếu sự kiểm soát của các địa phương.

Ông Đính cũng bày tỏ sự tăng giá cao ở nhiều nơi gây lo ngại, bởi có những chỗ chưa được đầu tư hay đầu tư chưa hoàn chỉnh nhưng giá cứ tăng. Đặc biệt, nhiều nơi mới chỉ được kỳ vọng đã có giá ngang ngửa những vùng đã hoàn chỉnh về hạ tầng.

>>> Xem thêm: Chủ tịch BHS Group: 'Nhiều nhà đầu tư không biết để tiền vào đâu nên tìm mua bất động sản'

Cùng chuyên mục
Tin khác