Chi 1 tỷ đồng mua nhà đất Đông Anh, khách hàng ngã ngửa vì 'mất oan' 350 triệu

Lệ Chi - 30/10/2020 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Một gia đình thông qua đại lý môi giới đã chi 1 tỷ đồng để mua đất có nhà trong ngõ tại khu Nguyên Khê, Đông Anh (Hà Nội). Thế nhưng sau đó, gia đình này mới biết chủ nhà rao bán chỉ 650 triệu đồng.

VNF
Đất nền vùng ven “dậy sóng”

Môi giới không thu phí hoa hồng mà lấy tiền “ăn chênh”

Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết kể từ khi khủng hoảng do dịch Covid-19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể.

Chính vì khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc…

Cũng theo Hội môi giới, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Theo đó, giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn/m2 thì nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu/m2 thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu/m2.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản đã ghi nhận hiện tượng tăng giá mạnh, giá ảo mà nguyên do xuất phát từ chính đội ngũ môi giới.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, đã chia sẻ câu chuyện một người lớn tuổi mua đất có nhà trong ngõ ở khu Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội.

Theo đó, nhà đất này được chủ nhà rao bán mấy tháng trước với giá 650 triệu đồng. Nhưng khi người mua làm việc qua đại lý môi giới thì mức giá được đẩy lên 1 tỷ đồng.

Người mua này vẫn quyết định đặt cọc vì thấy 1 tỷ đồng là mức giá phù hợp với khả năng chi trả. Kết quả, người mua đã chịu "mất" 350 triệu đồng.

Theo bà Hằng, hiện nhiều môi giới không thu phí hoa hồng khoảng 1% hoặc tỷ lệ thoả thuận nào đó mà lấy tiền “ăn chênh”.

Cụ thể, khi chủ nhà đưa ra một mức giá nào đó, môi giới sẽ tìm khách và đưa ra mức giá cao hơn. Nếu bán được, chủ nhà sẽ nhận số tiền thu về, còn tiền chênh lệch, môi giới sẽ hưởng.

Bà Hằng nhấn mạnh khâu định giá trong việc tìm mua bất động sản rất quan trọng, nhưng nhiều người chưa quan tâm, chú ý. Cũng chính điều này nên dễ phát sinh tình huống bị mua giá ảo, giá quá chênh so với thực tế.

Để tránh sập bẫy của môi giới, chuyên gia Savills Hà Nội lưu ý kinh nghiệm khi đi mua bất động sản là phải có sự tính toán, cân nhắc, xem xét mức giá ở các giao dịch thực xung quanh khu vực đó, tránh việc đặt hết niềm tin vào các kênh trung gian.

“Tính toán, cân nhắc lô đất, căn nhà mình định mua so với những sản phẩm được giao dịch trước đó ra sao. Cân nhắc kỹ các yếu tố vị trí, có gần tiện ích nào hay không, hướng ra sao, ô tô có vào được không, có chỗ để ô tô không, thuận tiện giao thông và gần trung tâm hay không”, bà Hằng nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng mức giá đưa ra dựa trên thoả thuận giữa các bên, vấn đề quan trọng vẫn là người mua phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Ngoài ra, người mua có thể thuê các đơn vị định giá chuyên nghiệp nhằm tránh việc mua phải mức giá quá cao.

Đất nền vùng ven “dậy sóng”, cẩn trọng tính thanh khoản

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản trước đây chủ yếu nhắm tới khu vực nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, lượng tìm kiếm tại các thị trường khác bắt đầu tăng lên rõ rệt.

Dự báo thị trường những tháng cuối năm 2020, ông Quốc Anh nhận định phân khúc đất nền dưới 1 tỷ đồng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm giới đầu tư.

Cụ thể, tại các khu vực vùng ven như: Hoài Đức, Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Trì hay Ứng Hòa kể từ khi có đề xuất lên quận cũng như đang có những dự án manh nha được đầu tư thì giá đất đã tăng chóng mặt.

Bình luận về đất nền ven đô đang “dậy sóng”, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội Nguyễn Hoài An cho rằng đầu tư các khu vực đất vùng ven, những thị trường mới nổi, cần lưu ý tính thanh khoản.

Theo bà An, có những nhà đầu tư “lướt sóng” kiếm lời tốt nhưng khi thị trường đi xuống, muốn rút chân ra rất khó. Bà An cảnh báo bất kỳ khoản đầu tư gì kỳ vọng giá tăng càng cao thì rủi ro cũng sẽ vô cùng lớn.

“Phải nắm được thông tin về khu vực đó có thể hiện thực hóa đến đâu, có nằm trong quy hoạch không, góp ý như thế nào, tài chính nhà đầu tư có đủ vững hay không”, bà An nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.