'Ông trùm hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa  

Chi Lan - 03/06/2021 21:06 (GMT+7)

(VNF) - Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.

VNF
Johnathan Hạnh Nguyễn chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo đề xuất được gửi các bộ ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, Công ty cổ phần IPP Air Cargo đặt mục tiêu thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Theo đó, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Overview 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. 

IPPG hiện là tập đoàn bán lẻ của Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. IPPG đồng thời là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021 do ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn - PV), chủ tịch hội đồng thành viên IPPG, làm chủ tịch hội đồng quản trị. Tổng giám đốc - người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo - là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn). Bà Tiên cũng là tổng giám đốc của Tập đoàn IPPG.

Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. 

IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Trong khi đó hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. 

Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng máy bay chở khách để chở hàng hóa nhằm kiếm thêm doanh thu khi vận tải hành khách khó khăn.

>>>> https://vietnamfinance.vn/thanh-lap-ipp-air-cargo-nuoc-co-cao-tay-cua-johnathan-hanh-nguyen-20180504224253974.htm

Con đường trở thành tỷ phú của Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một Việt kiều, chuyển sang sống tại Philippines từ năm 23 tuổi, sau đó du học tại Mỹ, trở về công tác trong lĩnh vực hàng không. Quãng thời gian làm việc tại Philippines Airlines và ông là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines vào năm 1985.

Năm 1986, ông sáng lập Công ty Liên Thái Bình Dương (tiền thân của IPPG), đầu tư hơn 500 triệu USD vào 30 dự án tại Việt Nam như nhà máy sơn, sản xuất dây khóa kéo, xuất khẩu đồ gia dụng, mây tre lá… 

Đến năm 1993, IPPG khai trương hai cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngoài ra còn làm nhiệm vụ tư vấn các sân bay nâng cấp chất lượng dịch vụ hàng không theo chuẩn quốc tế. 

Từ năm 2000, IPPG phát triển việc đưa các sản phẩm cao cấp quốc tế vào Việt Nam để đón đầu xu thế tiêu dùng. Công ty trở thành đối tác phân phối các thương hiệu rượu, thuốc lá uy tín, hiện đã phát triển hơn 300 điểm bán trên toàn quốc. 

Sau đó, ông Johnathan cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPPG) quyết định mở rộng bán lẻ thời trang cao cấp, thành lập công ty DAFC phân phối hàng chục thương hiệu thời trang danh tiếng. Từ đó, IPPG phát triển phân khúc thời trang trung cấp thông qua công ty ACFC phân phối độc quyền hơn chục thương hiệu như Nike, CK, Levis…

 

Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ

Từ năm 2010, IPPG tiếp tục lấn sân sang kinh doanh đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Domino's Pizza, Burger King, Dunkin’ Donuts, Popeyes đẩy mạnh phát triển chuỗi khắp các tỉnh, thành. Để đáp ứng chuỗi sản xuất, vận chuyển & cung ứng khép kín bảo đồng bộ chất lượng cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, ông Johnathan thành lập Công ty Dịch vụ Phân phối Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương.

Tiếp đó, IPPG mua lại khu mua sắm Rex Arcarde tại trung tâm TP HCM với số tiền khoảng 25 triệu USD. IPPG cũng thuê lại trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza), đầu tư 45 triệu USD nâng cấp thành một trong những khu mua sắm hàng hiệu xa xỉ nhất Hà Nội. 

Đến tháng 9/2018, IPPG tiếp tục thêm mảng bán lẻ công nghệ khi khai trương cửa hàng eDiGi chuẩn Apple đầu tiên của Việt Nam. 

Đến tháng 8/2017, vốn điều lệ của IPPG đạt mức 3.000 tỷ đồng. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ còn sở hữu 1% công ty này dù khi thành lập đóng góp tới 90% vốn. 

Số cổ phần còn lại trong công ty được chuyển giao cho các thành viên trong gia đình, nhiều nhất là vợ ông - bà Lê Hồng Thủy Tiên 59%, hai con trai là Nguyễn Phi Long (Phillip Nguyễn) và Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn, chồng diễn viên Tăng Thanh Hà) mỗi người 20%.

Johnathan Hạnh Nguyễn và mối lương duyên ngành hàng không

Không chỉ tên tuổi trong kinh doanh hàng hiệu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn rất gắn bó với ngành hàng không.

Tại Việt Nam, từ năm 2016, IPPG cùng 5 đối tác (trong đó có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vietjet Nasco, Yên Khánh và Việt Xuân Mới) cùng triển khai đầu tư Nhà ga Quốc tế - sân bay Cam Ranh (CRTC) với tổng mức 3.735 tỷ đồng, công suất có thể đạt 6 - 8 triệu hành khách/năm. Nhà ga này đã được khai trương từ tháng 6/2018, trong đó IPPG sở hữu chi phối 55%.

Một năm sau đó, IPPG trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Mã: SAS), cùng các đơn vị sở hữu hơn 45% vốn điều lệ. Từ tháng 5/2017, ông Hạnh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này. 

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm gần đây, đặc biệt sau sự xuất hiện của cổ đông chiến lược IPPG.

Năm 2019, Sasco đạt doanh thu thuần 2.895 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 373 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp của công ty này thuộc nhóm cao trong ngành hàng không, đạt 48%. 

Về cơ cấu, 46% doanh thu của công ty này từ các cửa hàng miễn thuế, số còn lại từ trung tâm thương mại 364 tỷ đồng, hoạt động phòng chờ 508 tỷ đồng và doanh thu khác 682 tỷ đồng. Trong đó hoạt động phòng chờ và hoạt động khác có mức biên lợi nhuận gộp lần lượt tới 80% và 68%. 

 

Cùng chuyên mục
Tin khác