Toàn cảnh khu vực sẽ xây Ga đường sắt Đà Nẵng mới
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.
Năm tháng trước, thông qua một sàn giao dịch bất động sản tại Phan Thiết, chị Phạm Thị Tường Vy mua lô đất diện tích 1.000 m2 với giá 500 triệu đồng tại khu dự án đất nền trên địa bàn thôn 7, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc.
Cuối tuần rồi, ra thăm đất, chị Vy không thể tin vào mắt mình. Tất cả đường sá trong dự án đã bị cào xới, phủ lên lớp một cát đỏ. Khu đất nền có các con đường phân ô bàn cờ, nay là bãi đất hoang nham nhở dấu vết đào múc. "Thấy có đường sá ngon lành mình mới mua để sau này xây biệt thự vườn, không ngờ đây là dự án trái phép", chị Vy nói.
Lô đất chị Vy trót mua nằm trong khu vực 5 dự án đất nền liền kề ở thôn 7 vừa bị chính quyền xã Hàm Đức xử phạt vi phạm hành chính. Đầu đường vào, một bảng cảnh báo màu đỏ chữ vàng cũng vừa xuất hiện với nội dung: "Hiện nay trên địa bàn thôn 7 – xã Hàm Đức, Nhà nước không có chủ trương quy hoạch phân lô bán nền, đề nghị tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cảnh giác khi thực hiện hợp đồng giao dịch".
Cách đó chừng 3 km, trên đường Triền - Tà Zôn, một bảng cảnh báo cũng được dựng lên ngay ngã ba đường vào rừng tràm thôn 5 và thôn 6 - nơi có hai dự án trái phép của các ông Nguyễn Tấn Quyền và Nguyễn Tấn Quý (TP HCM). Người dân làm rẫy gần đó cho biết, từ hôm xã cắm bảng cảnh báo, họ không còn thấy ôtô vào ra hỏi mua đất nền.
Toàn xã Hàm Đức có đến 7 dự án đất nền trái phép (tổng diện tích 46 ha) đã thi công đường giao thông. Dù đã yêu cầu các chủ đất tự tháo dỡ được 90%, chính quyền xã thừa nhận "có thiếu sót" trong công tác quản lý. Bởi vì khi các con đường đã làm xong, xã mới biết và lập biên bản vi phạm. Ông Nguyễn Trọng Linh, Phó chủ tịch UBND xã nói: "Địa bàn rộng, những chỗ đó lại cách trung tâm xã đến 7-8 cây số, do vậy chúng tôi đã không kịp ngăn chặn ngay từ đầu".
Cũng theo ông Linh, khi các cá nhân tách thửa, hợp thửa một cách bất thường trên hiện trạng đất nông nghiệp, mỗi khu chia thành hàng chục thửa diện tích 1.000-2.000 m2; rồi có những thửa chỉ rộng 5-7 m nhưng dài đến hơn 100 m (để làm đường), nhưng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hàm Thuận Bắc không nắm bắt và thông tin kịp thời. Vì vậy, xã cũng bị động, lúng túng trong khâu quản lý.
Bên cạnh Hàm Đức, đến nay các xã khác của huyện Hàm Thuận Bắc giáp Phan Thiết (như: Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp...) cũng đồng loạt cắm bảng cảnh báo ở những nơi có dự án phân lô bán nền trái quy hoạch. Tại xã Hàm Hiệp, ngoài cắm bảng, UBND xã còn yêu cầu chủ dự án trái phép "Đại Lộc Garden" (bà Đinh Thị Diễm Châu) điều xe múc đến phá bỏ các con đường trái phép trên khu đất cây trồng rộng 10 ha.
Trước tình trạng loạn phân lô bán nền, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Chi cục Thuế huyện, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên toàn địa bàn. "Các dự án trái phép đang bị cưỡng chế, huyện quyết tâm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khắc phục hậu quả", ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND huyện nói.
Còn tại thành phố Phan Thiết, trong khi vụ án sai phạm quản lý đất đai chưa xử lý xong, thì gần đây ở xã Thiện Nghiệp (nơi có dự án Sân bay Phan Thiết) lại xuất hiện 4 đường nhựa trái phép (tổng chiều dài gần 2 km) trên đất nông nghiệp, nằm ngoài quy hoạch của địa phương. Sau khi báo chí phản ánh, đến nay chỉ có bà Trần Thị Kim Yến cho xe ủi bỏ con đường nhựa dài 640 m, rộng 7 m và nhổ hết hàng trụ điện dọc đường.
Ba chủ đất còn lại gồm ông Đặng Hồng Phong (đường 705 m), bà Đặng Thị Mỹ Hạnh (đường 475 m), bà Trần Thị Ngọc Huệ (đường 115 m) chưa khắc phục xong. Ông Nguyễn Nam Long, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết quan điểm của thành phố là phải xử lý dứt điểm trong tháng 11 này. "Người đứng đầu cấp xã phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố nếu để tình hình diễn biến phức tạp", ông Long nói.
UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận một số địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý đất đai dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân đã tự ý làm đường trên đất nông nghiệp trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện việc hợp thửa, tách thửa để phân lô bán nền.
Trả lời VnExpress chiều 21/11, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thanh tra tỉnh và các ngành liên quan lập Tổ liên ngành vào cuộc, nhất là Công an tỉnh cử trinh sát theo dõi, nắm tình hình để sớm đề xuất biện pháp ngăn chặn các điểm nóng về đất đai, bất động sản.
"Chúng tôi đang thực hiện một cuộc tổng rà soát. Các cá nhân, chính quyền, đơn vị cấp nào mà buông lỏng quản lý, thì Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh sẽ xử lý đến nơi đến chốn", ông Hai khẳng định.
Trước đó, từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018, qua công tác thanh tra, UBND TP Phan Thiết đã bị phát hiện cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn trên 160 thửa với tổng diện tích hơn 190.000 m2 tại 3 xã: Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm không đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được tỉnh phê duyệt, trong đó có 139 thửa trái với Luật Đất đai.
Việc cho phép tách thửa trái quy định đã tạo điều kiện cho các cá nhân lợi dụng thực hiện phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
Ông Trần Hoàng Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cùng hai cấp dưới là Phạm Thanh Thái (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) và Lê Hoàng Anh Tân (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết) đã bị khởi tố, bắt giam ngày 12/9. Công an Bình Thuận đang tiếp tục điều tra một số lãnh đạo, cán bộ khác có liên quan trong vụ án này.
Hôm 15/11, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã triển khai quyết định, kế hoạch xem xét, thi hành kỷ luật đối với 5 đảng viên thuộc khối Đảng bộ thành phố Phan Thiết do có khuyết điểm, sai phạm liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý đất đai. Tổ kiểm tra sẽ hoàn chỉnh kết quả báo cáo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong tháng 12 tới.
Riêng ông Nguyễn Ngọc Hải và ông Nguyễn Hữu Hoành đã bị Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Bình Thuận cách chức Giám đốc và Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết ngày 1/11.
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.