Phó Thủ tướng 'nhắc' các tỉnh, thành lựa chọn đơn vị thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP. HCM

Anh Phan - 03/11/2021 09:53 (GMT+7)

(VNF) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP. HCM nghiên cứu ý kiến của các cơ quan liên quan, phối hợp với Bộ GTVT và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP và nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

VNF
Phó Thủ tướng 'nhắc' các tỉnh, thành lựa chọn đơn vị thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP. HCM

Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có phạm vi điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành và đường cao tốc TP. HCM-Trung Lương, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An, dài 91,66 km.

Về quy mô đầu tư, mặt cắt ngang toàn tuyến 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Giai đoạn 1, triển khai giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch và đầu tư phần đường cao tốc với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hạn chế (kết hợp đường cao tốc đi cùng mặt bằng và đi trên cao), phần đường song hành hai bên với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu đủ bố trí 2 làn xe.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dự án đường vành đai 3 TP. HCM là dự án trọng điểm quốc gia được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 250.000 tỷ đồng. Dự kiến mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 84.684 tỷ đồng, giai đoạn hoàn thiện hơn 165.256 tỷ đồng. Như vậy, tính ra 1 km đường vành đai 3 "ngốn" gần 2.500 tỷ đồng (bao gồm thi công, giải phóng mặt bằng, lãi vay...).

Tại báo cáo tiền khả thi, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chia dự án thành 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài 91,66 km và 8,3 km các tuyến nối.

Cụ thể, đoạn 1 (Tân Vạn - Nhơn Trạch): từ nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao Tân Vạn (riêng đoạn 1A dài 8,75 km đầu tư bổ sung một số hạng mục để khai thác đường cao tốc).

Chiều dài tuyến là 28,4 km, thêm 8,3 km các tuyến nối (gồm tuyến nối với nút giao Thủ Đức dài 5,88 km và tuyến nối vào khu công nghiệp Ông Kèo, Đồng Nai dài 2,42 km). Tổng mức đầu tư cho giai đoạn hoàn thiện chưa bao gồm lãi vay là hơn 55.673 tỷ đồng; giai đoạn 1 là hơn 30.788 tỷ đồng (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô giai đoạn hoàn thiện).

Đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn): từ nút giao Tân Vạn đến nút giao Bình Chuẩn, dài 15,3 km. Tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay là hơn 40.056 tỷ đồng cho giai đoạn hoàn thiện và hơn 11.863 tỷ đồng cho giai đoạn 1.

Đoạn 3 (Bình Chuẩn - quốc lộ (QL) 22): từ nút giao Bình Chuẩn đến nút giao QL22, dài 19,1 km cần hơn 25.566 tỷ đồng cho giai đoạn hoàn thiện, cùng gần 17.535 tỷ đồng cho giai đoạn 1.

Đoạn 4 (QL22 - Bến Lức): từ nút giao QL22 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TP. HCM - Trung Lương, dài 28,86 km dự kiến kinh phí khoảng 41.859 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay; giai đoạn 1 cần hơn 22.413 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác