Saigonres (SGR): 9 tháng doanh thu tăng trưởng ì ạch, quý III thoát lỗ hú vía

Ái Châu Tử - 28/10/2023 02:06 (GMT+7)

(VNF) – Quý III/2023, Công ty Cổ phần Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HoSE: SGR) đã thoát lỗ nhờ khoản lợi nhuận khác không được thuyết minh.

VNF
Saigonres (SGR): 9 tháng doanh thu tăng trưởng ì ạch, quý III thoát lỗ hú vía

Quý III/2023, doanh thu thuần hợp nhất của SGR đạt 18 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đây là quý có doanh thu tốt nhất trong năm, song lại là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu không vượt qua mốc 20 tỷ đồng, phản ánh sự tăng trưởng vô cùng chậm chạp.

Với doanh thu bé mọn, lợi nhuận gộp cũng chỉ 4 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ.

Hoạt động tài chính trong quý không có gì đột phá, đi ngang so với cùng kỳ về doanh thu (5 tỷ đồng) và chỉ tiết giảm được 16% về chi phí (đạt 7 tỷ đồng). Vì thế, việc phải chịu thêm 10 tỷ đồng chi phí quản lý (dù đã giảm 73%) đã khiến SGR lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 8 tỷ đồng, đánh dấu cho việc tái lỗ trong năm 2023 (quý I/2023 lỗ thuần 13 tỷ đồng).

Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác 31 tỷ đồng, SGR mới thoát lỗ và ghi nhận lợi nhuận trước thuế 23 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước, Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 18 tỷ đồng, giảm 90%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần hợp nhất đạt 47 tỷ đồng, giảm 91%; lợi nhuận gộp đạt 12 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.

Nhờ có khoản lợi nhuận khác 33 tỷ đồng (chủ yếu ghi nhận trong quý III) và doanh thu tài chính 2 quý đầu năm tương đối lớn (55 tỷ đồng, tăng 6%) cũng như tiết giảm được 70% chi phí quản lý, SGR có được 61 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với cùng kỳ, khoản lợi nhuận này giảm 75%. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 49 tỷ đồng, giảm 76%.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của SGR đạt 2.010 tỷ đồng, tăng thêm 11 tỷ đồng so với đầu năm. Chất lượng tài sản ở mức đáng quan ngại khi 53% là các khoản phải thu (đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 28%) và 32% là hàng tồn kho (đạt 646 tỷ đồng, tăng 11%).

Xét riêng hàng tồn kho, hầu hết giá trị là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tập trung tại các dự án như: dự án Phan Huy Chú, phường 2, TP. Vũng Tàu (112 tỷ đồng), dự án Nhơn Trạch – Đồng Nai (103 tỷ đồng), dự án An Phú, Bình Dương (62 tỷ đồng), dự án An Phú Residence, Thủ Đức (73 tỷ đồng), dự án Văn Lâm, Bình Thuận (35 tỷ đồng)… Tuy nhiên, trong số này, chỉ có dự án Nhơn Trạch, Đồng Nai là có chuyển biến đáng kể, còn lại đều trong tình trạng gần như “giậm chân tại chỗ”.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của SGR tại ngày 30/9/2023 đạt 1.086 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 33%, đạt 356 tỷ đồng, tăng 14%. Khoản “doanh thu chưa thực hiện dài hạn” chiếm 16%, đạt 171 tỷ đồng, chủ yếu là tiền nhận trước của việc cho thuê mặt bằng.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc quý III/2023 đạt 925 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,17 lần.

Dòng tiền kinh doanh 9 tháng của SGR khá xấu, âm 226 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (55 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (66 tỷ đồng) và giảm các khoản phải trả (70 tỷ đồng).

Trong kỳ, SGR đã đẩy mạnh việc đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, khiến dòng tiền đầu tư âm 97 tỷ đồng. Vì vậy, để bù đắp dòng tiền, SGR phải tăng quy mô dòng tiền đi vay lên gấp đôi cùng kỳ, đạt 177 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần 9 tháng vẫn âm 280 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền tại ngày 30/9/2023 giảm 84% so với đầu năm, chỉ còn 54 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác