Tài chính quốc tế

Sau ‘ngày đẫm máu’, chính quyền quân sự Myanmar cấm dùng đạn thật với người biểu tình

(VNF) - Sau “ngày biểu tình đẫm máu nhất” với 48 người thương vong, chính quyền quân sự Myanmar đã yêu cầu các lực lượng an ninh không dùng đạn thật khi đối phó với người biểu tình.

Sau ‘ngày đẫm máu’, chính quyền quân sự Myanmar cấm dùng đạn thật với người biểu tình

Quân đội Myanmar cho biết hơn 1.300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Thông báo yêu cầu lực lượng an ninh không sử dụng đạn thật được đưa ra trong một bản tin phát ra ngày 1/3 trên đài phát thanh quân đội Myanmar.

Trước đó, Hội đồng Quyền con người Liên Hợp Quốc (UNHRC) cho biết ngày 28/2 đã trở thành ngày đẫm máu nhất của làn sóng biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar, khi ít nhất 18 người tham gia bị cảnh sát bắn chết và hơn 30 người khác bị thương.

Những trường hợp tử vong được báo cáo ở một số thành phố (Yangon, Dawei và Mandalay) khi cảnh sát triển khai vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật với số lượng gấp nhiều lần các đợt trước để giải tán đám đông. Các vụ bắn chỉ thiên cảnh cáo cũng xuất hiện nhiều hơn.

Quân đội Myanmar cũng cho biết hơn 1.300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Việc lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào người biểu tình đã khiến nhiều nước lên án và đe dọa sẽ có phản ứng thiết thực.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/3 cảnh báo Washington sẽ có thêm hành động nếu các lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục gây thương vong cho những người không có vũ trang, tấn công nhà báo và nhà hoạt động.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ý và chính phủ Đức cũng đã triệu tập Đại sứ Myanmar để để lên án cuộc trấn áp gây chết người nhắm vào người biểu tình, đồng thời yêu cầu chính quyền quân sự nước này kết thúc ngay lập tức tình trạng “trấn áp người biểu tình một cách bạo lực”.

Các ngoại trưởng ASEAN hôm nay (2/3) sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt để thảo luận tình hình Myanmar trong bối cảnh bạo lực leo thang tại Myanmar.

Ở động thái liên quan mới nhất, bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi), lãnh đạo của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), ngày 2/3 đã xuất hiện trước phiên tòa được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Naypyitaw sau 1 tháng bị quân đội bắt giữ.

Tới thời điểm hiện tại, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc 4 tội danh, bao gồm: vi phạm luật thảm họa quốc gia và luật xuất nhập khẩu của Myanmar, phát tán thông tin có thể “gây sợ hãi hoặc làm rối loạn trật tự công cộng” và một tội danh thể theo luật viễn thông về cấp giấy phép cho các trang thiết bị.

Phiên xét xử tiếp theo đối với bà San Suu Kyi sẽ diễn ra vào ngày 15/3 tới.

Xem thêm >> Đức: Mỹ trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 là ‘xâm phạm chủ quyền châu Âu’

Tin mới lên