Sếp Mekong Capital: 'Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai của thế giới'

Hồ Mai - 06/05/2020 12:47 (GMT+7)

(VNF) - VietnamFinance trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện nhận định của ông Chris Freund, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc quỹ đầu tư Mekong Capital sau những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.

VNF
Ông Chris Freund, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc quỹ đầu tư Mekong Capital.

"Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID-19 với 270 ca nhiễm, 0 ca tử vong, và không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng suốt hai tuần qua, trở thành quốc gia đông dân đầu tiên đánh bại đại dịch COVID-19.

Việt Nam đạt được thành tích này là nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và phối hợp nhịp nhàng từ các cấp chính quyền. Ngay khi khủng hoảng bắt đầu manh nha tại Trung Quốc từ tháng 1, Việt Nam đã nhanh chóng hành động bằng cách đóng cửa trường học từ đầu tháng 2, hạn chế đi lại và cấp thị thực, cách ly người từ nước ngoài về nước và đỉnh điểm là đóng cửa biên giới. Việt Nam thực hiện biện pháp theo dõi những người có tiếp xúc với các ca nhiễm và cách ly nghiêm ngặt những ai có nguy cơ phơi nhiễm. Việt Nam còn cung cấp thông tin minh bạch về các ca bệnh, chi tiết về địa chỉ, nơi làm việc của những bệnh nhân mắc COVID-19. Việt Nam cũng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Với tỉ lệ cứ 650 xét nghiệm là có 1 ca nhiễm, Việt Nam là nước có tỉ lệ xét nghiệm trên số ca nhiễm cao nhất thế giới. Nhờ chủ trương hành động sớm và quyết liệt, Việt Nam đã chiến thắng COVID-19.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có thể mở cửa đất nước một cách an toàn, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia khác có thể phải đợi đến nhiều tháng sau. Chỉ số GDP của Việt Nam vẫn được dự báo tăng khoảng 4,9% trong năm 2020. Ngược lại, Mỹ hiện đã có hơn 1.100.000 ca nhiễm và còn tiếp tục tăng nhanh. Tình hình này khiến cho các chuyên gia ước tính cứ mỗi tháng nước này kéo dài biện pháp phong tỏa một phần, GDP sẽ giảm 5%. Thế nên, giả sử Mỹ thực hiện phong tỏa trong 3 tháng, GDP sẽ giảm 15%.

Để hiểu rõ vì sao Việt Nam có thể ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng này, và quan trọng hơn, làm thế nào để Việt Nam có được kinh nghiệm, tư duy, giá trị và khả năng để trở thành một đất nước có vai trò quan trọng trong tương lai của thế giới, ta hãy cùng nhau khám phá Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào năm 1992 khi đi du lịch bụi. Tôi những tưởng Việt Nam sẽ trông giống như chiến trường, một đất nước nghèo nàn bị khói lửa chiến tranh tàn phá. Tôi những tưởng người dân nơi đây sẽ ghét tôi vì tôi là người Mỹ. Nhưng không, điều tôi tìm thấy là sự cởi mở, suy nghĩ cầu tiến, lạc quan, những con người đề cao các mối quan hệ và sự gắn kết, một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Tôi bị choáng ngợp bởi tính thân thiện, cởi mở và hiếu khách của những người tôi gặp qua. Đến cả những người sống ở nơi từng là chiến trường hay có người thân chiến đấu ở cả hai bờ chiến tuyến đều cực kỳ thân thiện, cởi mở, thích giao lưu kết bạn, thậm chí là với các cựu thù. Đất nước này thật lạ kỳ?

Tỉ lệ nghèo giảm nhanh và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu

Như chim phượng hoàng trỗi dậy từ tro tàn của 100 năm thê lương, Việt Nam tái thiết, tái thiết và tái thiết. Ngày nay, Việt Nam là một đất nước hòa bình, sôi động và ổn định, trở thành một trong những nước đang phát triển thành công nhất ở nửa sau thế kỷ 20.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nghèo giảm nhanh nhất thế giới. Năm 1992 toàn quốc có 94% dân số sống trong nghèo đói, đến năm 2018, con số này chỉ còn 29%. Cùng lúc đó, tầng lớp trung lưu mạnh mẽ của Việt Nam xuất hiện: 91% dân số Việt Nam sở hữu nhà riêng, và đại đa số không vay thế chấp. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu nhà cao nhất thế giới, đặc biệt là tỉ lệ sở hữu nhà không vay vốn. Việc sở hữu nhà và quyền được tiếp cận nền giáo dục cao cấp hình thành nên một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Mặc dù có một bộ phận người Việt giàu có đang nổi lên gần đây, chẳng hạn như giới doanh nhân khởi nghiệp thành công, nhưng sự phát triển của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy ngày càng nhanh.

Cam kết hòa bình và trung lập

Việt Nam đã chuyển mình trở thành một quốc gia luôn nhìn về phía trước và yêu chuộng hòa bình. Ngay sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam liền gia nhập Phong trào Không liên kết vào năm 1976. Phong trào Không liên kết là một diễn đàn gồm 125 quốc gia đang phát triển không liên kết hay chống lại bất kỳ một khối cường quốc nào.

Mục đích của Phong trào Không liên kết là nhằm giúp các quốc gia thành viên duy trì độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là khi bị đe dọa bởi chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, bị nước ngoài xâm lược hoặc can thiệp, cũng như hỗ trợ lẫn nhau để tránh bị cuốn vào vấn đề chính trị của các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Với quan điểm tôn trọng độc lập, tự do của các quốc gia yếu thế hơn và quyền miễn can dự vào vấn đề địa chính trị của các siêu cường quốc, Việt Nam đã duy trì việc đối thoại, gắn kết và quan hệ ngoại giao thân thiện với tất cả các nước mà không chọn phe, hoặc không bị cuốn vào các khối cường quốc chính trị. Theo đó, Việt Nam xây dựng mối quan hệ hữu hảo không chỉ với Mỹ, mà còn với Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba và Palestine.

Tính trung lập và cởi mở của Việt Nam cũng được thể hiện qua số lượng lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, ví dụ:

• Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

• Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA)

• Hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt

• Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản — Việt Nam

• Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Việt Nam

• EU-Việt Nam (thỏa thuận thương mại duy nhất giữa Liên minh Châu Âu và một quốc gia đang phát triển ở châu Á)

• Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên kém phát triển nhất và là nước hưởng lợi nhiều nhất.

Vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại Việt Nam

Cùng với New Zealand và Bắc Âu, Việt Nam đặt ra một tiêu chuẩn toàn cầu cho các nhà nữ lãnh đạo, đặc biệt là ở châu Á. 27% thành viên Quốc hội Việt Nam là nữ. Tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam là 72,5%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Khoảng 25% giá trị của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là các công ty do các nữ CEO lãnh đạo, và các công ty này thường vượt trội so với các công ty có CEO nam. Một số công ty niêm yết nổi tiếng tại Việt Nam có phụ nữ đảm nhiệm vị trí CEO hoặc Chủ tịch bao gồm Vinamilk, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, VietJet, REE, Dược phẩm Hậu Giang, Traphaco, và nhiều công ty khác.

Việt Nam cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững

Năm 2015, Việt Nam đã ký vào thỏa thuận Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Mười bảy Mục tiêu Phát triển Bền vững toàn cầu đã được sửa đổi thành 115 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam (VSDG), thuộc “Kế hoạch hành động quốc gia trong Chương trình Phát triển Bền vững 2030”, dựa trên bối cảnh và ưu tiên phát triển của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam là một trong 46 quốc gia tiến hành đánh giá tự nguyện về tiến trình hướng đến Mục tiêu Phát triển Bền vững mà quốc gia đó đã cam kết.

Lượng carbon thải ra môi trường ít hơn

Tuy còn nhiều việc phải làm để đưa mức thải carbon xuống con số 0, Việt Nam hiện vẫn có lượng khí thải carbon tương đối ở mức 1,8 tấn/người mỗi năm. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 7,5 tấn và ở Mỹ là 16,5 tấn. Dẫu vậy, trồng rừng vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam và đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thể đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới.

Phật giáo và chánh niệm

Tình yêu dành cho giáo lý nhà Phật vốn đã tồn tại ở Việt Nam suốt gần 2.000 năm qua. Ngày nay, Việt Nam sản sinh ra nhiều giảng sư, thiền sư nổi bật như Thích Nhất Hạnh, người đã truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới thực hành chánh niệm và biết yêu thương từng khoảnh khắc sống. Biết cách chấp nhận cuộc sống, thực hành chánh niệm là những phương pháp nhẹ nhàng, không hề ép buộc người học phải đạt được mục tiêu ra sao. Nó đơn giản chỉ là một lời mời. Tư tưởng nhẹ nhàng, biết nâng niu từng phút giây của hiện tại đã thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam.

Ẩm thực ngon miệng và tốt cho sức khỏe

Ẩm thực Việt Nam cùng với ẩm thực Nhật Bản là một trong những nền ẩm thực cung cấp chế độ ăn uống tốt nhất cho sức khỏe. Người Việt sử dụng rất nhiều rau tươi và hải sản nuôi trồng. Không chỉ vậy, món ăn Việt Nam còn cực kỳ ngon miệng, phong phú với hàng ngàn món ngon để khám phá. Với tỉ lệ béo phì là 2,1%, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới.

Thiên tai và hiện tượng nóng lên toàn cầu

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự nóng lên toàn cầu, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số mối đe dọa nghiêm trọng. Với đặc điểm đường bờ biển dài, sở hữu vùng châu thổ và bãi bồi rộng lớn, cộng với vị trí địa lý nằm trên đường đi của nhiều cơn bão nhiệt đới, Việt Nam bị xếp vào nhóm có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao. Mực nước biển dâng cao khiến ngày càng nhiều đất nông nghiệp ở Việt Nam bị ngập mặn. Hạn hán đang trở nên phổ biến hơn, và hiện tại đồng bằng sông Mekong đang gánh chịu một đợt hạn hán tàn khốc. Miền trung Việt Nam luôn đối mặt với nguy cơ lũ lụt, và nguy cơ này ngày một tăng do sự nóng dần lên của Trái Đất khiến bão xuất hiện ngày càng nhiều.

Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới

Lịch sử đau buồn với chiến tranh, thiên tai và kinh nghiệm đối phó với SARS, H1N1 đã giúp cho Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng để ứng phó nhanh chóng, quyết liệt trước các tình huống khẩn cấp tầm cỡ quốc gia và các mối đe dọa toàn cầu. Khả năng lãnh đạo của Việt Nam đã được chứng minh bằng chiến thắng chóng vánh trước COVID-19.

COVID-19 chỉ là một hiệu ứng nhỏ, kết quả từ việc con người gây hại đến thiên nhiên. Trong tương lai sẽ còn nhiều đại dịch xảy ra nữa. Sẽ ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị nước biển nhấn chìm. Hạn hán và lũ lụt sẽ xảy ra nhiều nơi, thời tiết sẽ thay đổi thất thường. Sẽ có thêm nhiều loài động thực vật tuyệt chủng. Và khi mức độ đa dạng sinh thái tiếp tục suy giảm, khi con người ngày càng mất kết nối với thiên nhiên, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ phải gánh chịu chất lượng cuộc sống ngày một tồi tệ.

Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này. Bằng chứng là Việt Nam đã luôn tuân thủ Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và có những tiến bộ đáng kể trên con đường hoàn thành các mục tiêu trên. Việt Nam đã từng bước khẳng định mình, trở thành hình mẫu phát triển bền vững cho các nước đang phát triển và là quốc gia ủng hộ nhiệt thành hợp tác quốc tế.

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các tổ chức toàn cầu sẽ càng có vai trò quan trọng hơn trong việc chia sẻ các mục tiêu chung nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế, gồm: y tế thế giới, hòa bình thế giới, bình đẳng giới, tình trạng nóng lên toàn cầu và khả năng duy trì sinh thái. Việt Nam có vai trò quan trọng trong các vấn đề này.

Thế giới cần Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt thế giới đến một tương lai bền vững

Đề cao khoa học và nâng tầm ảnh hưởng của khoa học là một mô hình tuyệt vời ở Việt Nam mà thế giới cần học tập. Trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia, Việt Nam dùng kiến thức khoa học và tư duy giải quyết vấn đề thực tế làm kim chỉ nam chứ không phải lợi ích chính trị hay tôn giáo. Do đó, Việt Nam cần phải đưa các dữ liệu, tư duy dựa trên cơ sở khoa học và cách giải quyết vấn đề thực tế vào các cuộc đối thoại bàn về phương pháp đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên toàn cầu.

Cách Việt Nam gìn giữ môi trường thiên nhiên cũng có thể là hình mẫu của thế giới. Việt Nam có thể là nước tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, sử dụng nước và kiểm soát ô nhiễm. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với hệ sinh thái phong phú, và chúng ta có thể bảo vệ nó.

Cũng giống như các quốc gia khác được lãnh đạo bởi các “nữ tướng” và hoàn thành xuất sắc cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam sở hữu các “nữ tướng” đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước tiến đến tương lai mà họ cam kết. Điều này có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dám dấn thân vào vị trí lãnh đạo trên thế giới, đóng góp vào hòa bình và bền vững toàn cầu. Hẳn nhiên thế giới sẽ bình yên, bền vững và hợp tác nhiều hơn nếu ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở các cấp cao nhất của chính phủ và các tổ chức toàn cầu.

Giống như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt có thể tạo cảm hứng cho thế giới, mời thế giới đến với cuộc sống thực hành chánh niệm, nâng niu thiên nhiên, vui sống trong hiện tại với những người xung quanh và chọn lấy hạnh phúc.

Để khép lại bài viết này, tôi xin trích dẫn một đoạn văn của Hoài Sơn, một học sinh lớp 4, được sáng tác vào năm 1965, trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù không sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi đã dành nửa đời người sống ở mảnh đất này, hai cô con gái của tôi cũng là người Việt. Tôi rất quý mến tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên của người Việt:

Tôi là một người dân Việt, sinh giữa lòng của đất nước tổ tiên tôi.

Nước tôi là một nước bé nhỏ ở ven bờ bể cả, có núi lớn làm thành, sông sâu làm lũy, có những danh lam thắng cảnh trang hoàng.

Dân tôi là một giống dân hiền lành nhưng quả cảm, kiên nhẫn và kiêu hùng, một giống dân giàu tình cảm và nhân đạo.

Tôi yêu nước tôi, tôi mến dân tộc tôi, lòng yêu mến của tôi vô lượng vô biên, thiêng liêng cao cả. Vì nước tôi là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, vì dân tôi đã biết giữ gìn đất nước tôi.

Tôi sống trên mảnh đất tổ tiên tôi đã sống, tôi thở không khí của tổ tiên tôi đã thở; những đồi núi sông ngòi, những cỏ cây hoa lá, đâu đâu cũng phảng phất in hình dấu vết tổ tiên tôi.

Tôi tin rằng đã đến lúc phải xem xét lại định nghĩa thế nào là một quốc gia “siêu cường” trên thế giới. Việt Nam có thể là một siêu cường mới, không dựa trên sức mạnh quân sự, quy mô hay tăng trưởng kinh tế bất bền vững, mà dựa vào cam kết hợp tác và gắn kết toàn cầu, hòa hợp với thiên nhiên, nâng cao tiêu chuẩn y tế và giáo dục, khai mở sức mạnh của nữ giới trong đội ngũ lãnh đạo, đề cao hòa bình và sống cho hiện tại."

Cùng chuyên mục
Tin khác