Sở Xây dựng Quảng Ngãi: 'Các doanh nghiệp BĐS cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính'

Phước Nguyên - 17/10/2022 07:08 (GMT+7)

(VNF) - Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh các chính sách, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến luật và phê duyệt dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính, hay những hỗ trợ trong ngắn hạn. Điều này sẽ giúp cho thị trường phát triển ổn định, bền vững. 

VNF
Các doanh nghiệp BĐS cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính.

Theo đó, hầu hết các giao dịch bất động sản là từ việc mua bán các lô đất thổ cư, hàng tồn kho của các dự án bất động sản còn nhiều nhưng vẫn neo ở giá cao dẫn đến việc người dân có nhu cầu mua đất khó giải ngân. 

Về giá bất động sản trong thời gian đến sẽ có dấu hiệu tăng giá vì một số nguyên nhân chính: chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao; vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều tăng; khung giá đất trong năm 2021 được điều chỉnh tăng; đồng thời, thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án kéo dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí đầu tư. 

Nguồn cung về sản phẩm nhà ở, đất nền của các dự án tăng cao mặc dù nhu cầu nhà ở cao nhưng do ảnh hưởng kinh tế nên việc người dân giải ngân tiền mua bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp bất động sản cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính

Theo Sở Xây dựng, để tránh việc đầu cơ bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng siết chặt việc cho vay bất động sản cũng ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong ngắn hạn. 

Do đó, các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đăng ký thực hiện thủ tục đầu tư chưa có dự án nào được lựa chọn Nhà đầu tư để triển khai thực hiện. “Hiện nay, các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư dự án, giao đất cho nhà đầu tư sau khi trúng đấu thầu dự án còn gặp nhiều bất cập, chồng chéo gây nên lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư”, Sở Xây dựng thông tin.

Ngoài ra, các chính sách, quy định của pháp luật thời gian qua có cải thiện và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển tuy nhiên cũng chưa kịp thích ứng ngay với thị trường. Đặc biệt, các vướng mắc của đầu tư, kinh doanh bất động sản thường liên quan đến nhiều Luật, không thể sửa trong thời gian ngắn. 

Chính vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh các chính sách, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến luật và phê duyệt dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính, hay những hỗ trợ trong ngắn hạn. Điều này sẽ giúp cho thị trường phát triển ổn định, bền vững. 

Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về các nội dung, trình tự xác định chủ đầu tư theo quy định như đã nêu trên. Kính đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi Điều 23 Luật Nhà ở bổ sung quy định công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, nhà ở đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai giúp tăng nguồn cung dự án, tăng nguồn cung nhà ở góp phần làm giảm giá nhà ở trên thị trường. 

Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% mức đầu tư dự án có sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 15% mức đầu tư dự án có sử dụng đất từ 20ha trở lên. Có nghĩa là chủ đầu tư có thể cần phải huy động vốn 80-85% tổng mức đầu tư dự án có sử dụng đất. Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu ban đầu, thì trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án (chưa đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai) thì chủ đầu tư cần các nguồn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác trên thị trường. 

Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản và các ngân hàng thương mại đang có xu hướng siết dần tín dụng đối với bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng. Nếu nhà nước siết cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ gây thiếu hụt nguồn vốn đầu tư. 

Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn đảm bảo theo quy định.

Hàng tồn còn nhiều, giá vẫn neo cao

Liên quan đến tình hình hoạt động bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong quý III/2022, hầu hết các giao dịch bất động sản là từ việc mua bán các lô đất thổ cư. Trong khi đó, hàng tồn kho của các dự án bất động sản còn nhiều nhưng giá vẫn “neo" cao, dẫn đến việc người dân có nhu cầu mua đất khó giải ngân.

Trong đó, Sở cũng đã cấp phép mới cho 06 dự án nhà ở thương mại, gồm: Khu dân cư Nam Hùng Vương (9,5ha); Khu dân cư Nhân Hòa (4,96ha); Khu đô thị mới Nam Trường Chinh (43,8ha); Khu đô thị Bàu Giang (49,5ha); Khu dân cư An Thường kết hợp chỉnh trang đô thị (9,55ha); Khu dân cư phía Bắc đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Quảng Ngãi (4,99ha); đang triển khai 01 dự án nhà ở thu nhập thấp.

Đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, địa bàn tỉnh hiện đang có 19 dự án có liên quan đến nhà ở và nhà ở lưu trú đối với loại hình du lịch nghĩ dưỡng. Cụ thể: có 14 dự án đã cấp phép chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện với quy mô 307,97ha, trong đó, các khu chức năng liên quan phục vụ hoạt động du lịch nghĩ dưỡng là 103,9ha; 05 dự án đã hoàn thành với quy mô 57,21ha, trong đó, các khu chức năng liên quan phục vụ hoạt động du lịch nghĩ dưỡng là 23,22ha.

Về giá, nhà ở riêng lẻ dao động từ 10-15 triệu đồng/m2; giá đất nền từ 5,5-25 triệu đồng/m2, giá cho thuê mặt bằng thương mại từ 400.000-800.000 đồng/m2.

Cùng chuyên mục
Tin khác