BĐS tuần qua: Hưng Thịnh muốn mở rộng Hải Giang Merry Land, nhiều sàn BDS Quảng Ninh vào tầm ngắm

Lệ Chi - 11/09/2021 13:52 (GMT+7)

(VNF) - Những dự án 'tai tiếng' của Tập đoàn Hà Đô và đại gia Nguyễn Trọng Thông; Rạng Đông thâu tóm dự án sân golf Phan Thiết từ tay ‘đại gia’ ngoại ra sao?; Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tội phạm liên quan 9 dự án 'khủng' ở Bình Thuận; 'Bức tranh xám màu' của bất động sản Đà Nẵng những tháng cuối năm 2021; Quy hoạch TP. Thủ Đức sẽ chú trọng hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ... là những thông tin về địa ốc được quan

VNF
'Bức tranh xám màu' của bất động sản Đà Nẵng những tháng cuối năm 2021

Những dự án 'tai tiếng' của Tập đoàn Hà Đô và đại gia Nguyễn Trọng Thông

Trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn Hà Đô của đại gia Nguyễn Trọng Thông được được giới tài chính quan tâm khi nắm giữ nhiều dự án bất động sản (BĐS), thủy điện, điện gió lớn trên cả nước. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, nhiều dự án của tập đoàn này mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã có báo cáo trong đó đưa 2 dự án của Tập đoàn Hà Đô vào danh sách các dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định số 7625/QĐ-UBND ngày 9/11/2004) với diện tích 8.653m2. Với dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhiều lần có kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm, HĐND TP Hà Nội kiến nghị UBND TP yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng nhà ở thấp tầng.

Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô còn dự án Khu đô thị mới An Khánh - An Thượng (Khu Nam An Khánh mở rộng Khu I-A, hiện nay là dự án Hado Charm Villas) tại huyện Hoài Đức (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định 2431/QĐ-UBND ngày 14/12/2007). Hiện tại, dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai xây dựng các ô quy hoạch liền kề và biệt thự.

Theo đề nghị của HĐND TP Hà Nội, UBND TP cần yêu cầu Tập đoàn Hà Đô hoàn thiện hồ sơ để được xem xét, thẩm định trình UBND TP xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Còn tại Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa vào cuộc kiểm tra công trình nhà ở cao tầng C1-CT thuộc dự án này và phát hiện phần hầm xây dựng không phép với diện tích 6.177m2. Hiện tại, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng mọi hoạt động thi công tại công trình này. (Xem thêm)

Rạng Đông thâu tóm dự án sân golf Phan Thiết từ tay ‘đại gia’ ngoại ra sao?

Theo tài liệu của VietnamFinance, ban đầu dự án sân golf Phan Thiết do Công ty Regent International Overseas Corp (100% vốn nước ngoài) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này của tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom. Ông thuê mảnh đất này để làm dự án sân golf Ocean Dunes Golf Club (còn gọi là sân golf Phan Thiết).

Ngày 27/7/1993, dự án được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ thu hồi và cho thuê đất tại Quyết định số 475/TTg ngày 25/9/1993.

Sân golf Phan Thiết đã triển khai xây dựng và đưa và hoạt động kinh doanh từ năm 1997.

Tuy nhiên, sau khi vị tỷ phú Larry Hillblom qua đời, sân golf này đã hai lần được bán lại cho hai chủ đầu tư nước ngoài khác.

Dự án không có gì bất thường cho đến khi có sự góp mặt của Công ty Cổ phần Rạng Đông, và quá trình chuyển đổi từ sân golf sang khu đô thị cũng bắt đầu từ đây.

Cụ thể, ngày 8/9/2013, Công ty Regent International Overseas Corp và Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết của dự án Ocean Dunes Golf Club cùng Công ty Cổ phần Rạng Đông ký kết Hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ của Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết.

Tiếp đó, ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ ba, trong đó điều chỉnh nhà đầu tư từ Công ty Regent International Overseas Corp sang Công ty Cổ phần Rạng Đông (nhà đầu tư 100% vốn trong nước) và thay đổi người đại diện theo quy định pháp luật Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết (pháp nhân trực tiếp thực hiện dự án thuộc Rạng Đông), đồng thời kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền và lợi ích của dự án Ocean Dunes Golf Club theo quy định của pháp luật.

Sau khi mua lại dự án, Rạng Đông đã giao cho Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết là pháp nhân trực tiếp thực hiện dự án và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Đến ngày 6/3/2014, tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ tư, điều chỉnh tổng diện tích dự án từ 603.534m2 thành 620.656m2.

Tròn 1 năm sau đó, tỉnh lại cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ năm, điều chỉnh dự án đầu tư Ocean Dunes Golf Club thành khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, đồng thời Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết được đầu tư dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Ngày 3/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất và hình thể thửa đất tại quyết định năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ, từ Công ty Regent International Verseas Corp thành Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết. (Xem thêm)

Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tội phạm liên quan 9 dự án 'khủng' ở Bình Thuận

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai,” “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị khác liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và phê duyệt giá đất tại 9 dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại.

Các dự án gồm: dự án khu du lịch Hòn Lan; dự án sân golf Phan Thiết; dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư phường Đức Long, thành phố Phan Thiết (Hamubay); dự án Biển Quê Hương; dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (lô đất số 18, 19 và 20); dự án rừng dầu Hồng Liêm; dự án bồng lai tiên cảnh và du lịch sinh thái Xuân Quỳnh; dự án khu liên hợp Hồ điều hòa phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết.

Tuy nhiên, đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Thuận đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến thời hạn xác minh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng chưa cung cấp đầy đủ tài liệu có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định viên của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giám định việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch và xây dựng của UBND tỉnh Bình Thuận, các sở, ban ngành liên quan, xác định hậu quả thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Căn cứ Điều 36 và Điều 148 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quyết định phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với 9 dự án dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại, xảy ra tại UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị có liên quan. (Xem thêm)

'Bức tranh xám màu' của bất động sản Đà Nẵng những tháng cuối năm 2021

Trước làn sóng Covid thứ 4, thị trường BĐS Đà Nẵng gần như “đóng băng” bởi các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Mặc dù nhiều doanh nghiệp BĐS chủ động chuyển đổi sang hình thức tiếp thị và tư vấn online, song vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

Đặc thù ngành BĐS là giao dịch sản phẩm có giá trị lớn nên đa số khách hàng đều muốn “gặp tận nơi, xem tận mắt”, do đó công việc tiếp thị online thật sự gặp nhiều trở ngại. Trong thời gian này, đa phần các nhà đầu tư chỉ tìm hiểu thông tin và chờ dịch bệnh được kiểm soát.

Anh Nghĩa, chuyên viên kinh doanh công ty BĐS Thái Thiên Phú tại Đà Nẵng, chia sẻ: “Đây là đợt dịch nặng nề nhất trong suốt 2 năm qua, dòng tiền đổ vào BĐS gần như bị “tê liệt”, việc chốt deal online cũng khó thực hiện và đi vào bế tắc”. Tuy nhiên, anh cũng tin rằng còn được làm việc trong thời gian này là một điều may mắn và sẽ cố gắng hoàn thiện thêm những kỹ năng đối với các kênh tiếp thị online.

Chủ động ứng phó với những khó khăn trong thời buổi đại dịch toàn cầu, nhiều chuyên viên môi giới BĐS như anh Đ. đã có những kế hoạch kinh doanh khác. Chia sẻ với PV, anh Đ. nói: “Diễn biến dịch Covid-19 đã làm tôi thay đổi định hướng, tôi đang lên kế hoạch sản xuất kinh doanh tại nhà. Có thể trong tương lai gần dịch bệnh chưa thể được kiểm soát hoàn toàn nên đây cũng là cơ hội để tôi có thể thử sức với công việc mới tại nhà. Và khi dịch bệnh ổn hơn tôi vẫn sẽ làm BĐS song song với kinh doanh tại nhà.”

Trước những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lên phương án ra mắt những dòng sản phẩm phân khúc thu nhập thấp cùng với những chính sách bán hàng tốt tạo cơ hội cho các nhà đầu tư dần quen lại với thị trường cũng như có những bước phát triển mới cho thị trường bất động sản vào cuối năm 2021. (Xem thêm)

Hưng Thịnh muốn đầu tư dự án mở rộng khu du lịch Hải Giang Merry Land 

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án mở rộng về phía Đông khu du lịch Hải Giang Merry Land tại thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn.

Theo công bố, liên danh Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này.

Dự án mở rộng về phía Đông khu du lịch Hải Giang Merry Land có diện tích khu đất thực hiện khoảng 71,75ha, thuộc một phần phân khu 04 và phân khu 05, Khu kinh tế Nhơn Hội. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 1.800 tỷ đồng. (Xem thêm)

Hàng loạt sàn bất động sản bị Công an Quảng Ninh 'bêu tên'

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo về một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP. Hạ Long.

Theo báo cáo này, trên địa bàn TP. Hạ Long hiện có khoảng 150 đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS (tư vấn, môi giới BĐS), hoạt động sàn giao dịch BĐS.

Cụ thể, các sàn giao dịch BĐS trong danh sách Sở Xây dựng Quảng Ninh đang quản lý có 43 sàn giao dịch BĐS trên toàn tỉnh, trong đó có 34 sàn giao dịch BĐS tại TP. Hạ Long.

Các sàn giao dịch BĐS không trong danh sách Sở Xây dựng Quảng Ninh quản lý có 30 sàn giao dịch BĐS và khoảng hơn 80 doanh nghiệp, cá nhân tại TP. Hạ Long kinh doanh dịch vụ BĐS không chấp hành việc đăng ký hoạt động, chế độ thông tin, báo cáo hoạt động sàn giao dịch BĐS, hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS với cơ quan quản lý nhà nước, không tuân thủ theo quy đinh của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014.

Qua xác minh, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã phát hiện hàng loạt vi phạm của các doanh nghiệp, sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP. Hạ Long. (Xem thêm)

Quy hoạch TP. Thủ Đức sẽ chú trọng hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ

UBND TP. HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040. Điểm nổi bật là TP. HCM đã nêu lên 5 vấn đề trong quá trình quy hoạch, phát triển TP. Thủ Đức.

Theo đó, 5 vấn đề bao gồm: Hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ; gắn kết - đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội; xây dựng khung chính sách thực thi quy hoạch; chính sách an sinh xã hội và tương tác trong quá trình lập quy hoạch.

Thứ nhất, về hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ, thành phố cần bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế sáng tạo, hình thành hệ sinh thái sáng tạo kết nối với các hoạt động sản xuất, dịch vụ và văn hóa tại thành phố, trên toàn quốc và quốc tế.

Trong đó, các trung tâm sáng tạo là một giải pháp chủ yếu thu hút các tập đoàn lớn đặt trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có hiệu quả lao động ở mức cao và các ngành kinh tế sáng tạo.

Thứ hai, về gắn kết - đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội, thành phố chú ý đến xây dựng phương hướng phát triển và danh mục ưu tiên, dựa trên việc cân nhắc về chi phí, lợi ích, cũng như động lực và khả năng của các bên liên quan.

Thứ ba, về xây dựng khung chính sách thực thi quy hoạch, thành phố xác định các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị trên 7 lĩnh vực, gồm giao thông, năng lượng, môi trường và thiên nhiên, giáo dục và sức khỏe, nhà ở, dữ liệu dùng chung, sự tham gia của cộng đồng.

Thứ tư, về chính sách an sinh xã hội, TP. Thủ Đức đảm bảo diện tích sàn nhà ở bình quân đạt chuẩn đô thị loại I. Trong đó chú trọng giải quyết nhà ở cho người thu nhập trung bình và nhà ở xã hội cho người nghèo, thu nhập thấp.

Thứ năm, về tương tác trong quá trình lập quy hoạch, thành phố xác định tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch phải đạt được các yêu cầu, như tạo ra cơ chế hợp tác nhà nước, doanh nghiệp, khoa học, cộng đồng để cùng tương tác, giải quyết các vấn đề trong quá trình nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt đồ án. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác