Sửa đổi dự thảo Thông tư 49 (lần 2): Tranh cãi việc bỏ khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí

Đinh Tịnh - 13/09/2018 10:14 (GMT+7)

(VNF) - Tại dự thảo Thông tư 49 (lần 2), Tổng Cục đường bộ Việt Nam có đề xuất bỏ quy định hai trạm thu phí phải cách xa nhau tối thiểu 70 km. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc đề xuất này là nhạy cảm và không cần thiết.

VNF
Nhiều tranh cãi về đề xuất bỏ khoảng cách 70km/ một trạm thu phí

Quy định khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí chỉ mang tính tương đối

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tại quy định khoảng cách giữa 2 trạm thu phí là 70km chỉ mang tính tương đối. Ví dụ, trên tuyến quốc lộ 1A, trước đây, đa phần các dự án BOT chỉ làm 30-40km đường, phần còn lại là do nhà nước bỏ tiền đầu tư để đảm bảo khoảng cách 70km. Tuy nhiên, từ khi BOT phát triển rầm rộ thì khoảng cách quy định theo luật cũ trở nên lỗi thời. Đặc biệt, tại các đầu cửa ngõ TP. HCM và Hà Nội... dự án BOT khá nhiều vì thế đương nhiên không thể đảm bảo khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho biết thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá đường bộ, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã rà soát và điều chỉnh lại dự thảo lần 1 trên cơ sở nhắc lại Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Trong đó nhận thấy, quy định khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí đã không còn phù hợp. Vì thế, dự thảo thông tư 49 (lần 2) đề xuất bỏ quy định trên.

Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải cũng dẫn chứng: Thông tư 49/2016 chỉ quy định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể liên quan của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của đơn vị thu giá. Về điều kiện đặt trạm thu phí, Thông tư 49 không quy định khoảng cách đặt trạm. Quy định này do Thông tư 159 của Bộ Tài chính nêu.

“Khi thực hiện Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường độc đạo, đường cũ nên quy định khoảng cách 70km giữa trạm thu phí đã không còn ý nghĩa”, ông Tuấn Anh nói.

Bỏ quy định khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí là nhạy cảm

Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải, việc bỏ khoảng cách trạm thu phí là khá nhạy cảm, vì thế, Tổng cục đường bộ Việt Nam phải đưa ra xin ý kiến dư luận rộng rãi.

“Sau khi đăng tải dự thảo Thông tư 49 sửa đổi lần 2, nhiều ý kiến cho rằng quy định khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, nhất là sau khi đã có Nghị quyết 437 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc này cần bàn kỹ và lấy ý kiến từ nhiều phía”, bà Nga nói.

Dưới góc độ chuyên gia giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Vận tải Việt Nam, cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 437 yêu cầu không làm BOT trên đường hiện hữu. Từ nay, trạm BOT chỉ xuất hiện trên những tuyến đường mới.

“Ví dụ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai thu phí kín. Trên cao tốc này có nhiều đường rẽ vào đường nhánh. Đi 50 km, lái xe trả tiền 50 km, đi 70 km, trả tiền 70 km. Dù rẽ ra đường nhánh cũng phải trả tiền đúng với số km đã đi. Đây là hình thức “thu phí kín” nên khoảng cách giữa các trạm là 50 km hay 70 km không quan trọng. Vì thế, với trường hợp này thì khoảng cách các trạm không quan trọng”, ông Thanh lý giải

Tuy nhiên, vị Chủ tịch hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cũng băn khoăn: “Nếu thu phí hở, khi các trạm đặt quá gần nhau thì lái xe, doanh nghiệp, người dân chỉ đi 1 cung đường ngắn, bị trả tiền nhiều lần là bất cập. Điều này, gây những gánh nặng lên lái xe, doanh nghiệp. Vì thế, việc bỏ quy định khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí cần phải xem xét kỹ”

Ngoài ra ông Thanh cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trong trường hợp trong phạm vi 70 km nếu đầu tư thêm cầu đường bộ, hầm đường bộ thì chỉ tổ chức thu 1 lần (cộng cả phí đường bộ và phí cầu, hầm). Bởi nếu tách riêng từng dự án qua nhiều lần thu sẽ tạo nên ùn tắc giao thông không cần thiết.

Cùng chuyên mục
Tin khác