Tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ chạy với tốc độ 35 km/h
Chí Bình -
26/08/2019 18:15 (GMT+7)
(VNF) - Đoàn tàu đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài khoảng 80m và sẽ được khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h dù tốc độ thiết kế của tàu là 80km/h.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đoàn tàu đầu tiên của dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ về nước vào tháng 7/2020. Hiện các toa xe cấu thành nên đoàn tàu đang được lắp ráp tại nhà máy ở Pháp.
"Tàu có chiều rộng từ 2,75 - 2,95m, chiều dài 80m đối với đoàn tàu 4 toa (trong tương lai có thể kéo dài thêm 1 toa). Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, tàu có thể chở 850 - 950 hành khách/đoàn tàu và khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế 80 km/h", đại diện MRB cho biết.
Cũng theo đại diện MRB, 35 km/h là tốc độ trung bình tính cả lúc dừng chờ ở các nhà ga. Được biết, hiện tốc độ của xe buýt thường ở Hà Nội trung bình từ 16 - 18 km/h; xe buýt nhanh khoảng 23 km/h. Tốc độ khai thác này tương đương với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp vận hành.
Về tiến độ, MRB cho biết gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm) của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đến nay mới đạt hơn 5% tiến độ. Hiện trên đoạn đường ngầm 4km của dự án có 4 nhà ga gồm: Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Trần Hưng Đạo nhưng chưa ga nào giải phóng, thu hồi xong mặt bằng để phục vụ thi công.
Cụ thể, ga Kim Mã còn vướng gần 1% diện tích mặt bằng, trong đó có 3 hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng, đang được chủ đầu tư phối hợp với UBND quận Ba Đình tiếp tục vận động, đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ga Cát Linh còn 6 hộ dân và 6 cơ quan, đang trong thời gian hoàn thiện công tác đo vẽ hiện trạng, xác minh nguồn gốc đất để lập phương án thu hồi. Ga Văn Miếu còn hơn 5% diện tích, ga Trần Hưng Đạo còn 6% diện tích.
Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Theo điều chỉnh mới nhất của Hà Nội, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 - 2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, còn đoạn đi ngầm vào tháng 12/2022.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.