Tây Ban Nha muốn làm đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam?

Chí Bình - 23/02/2023 15:25 (GMT+7)

(VNF) - Phía Tây Ban Nha đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cung cấp cho Tây Ban Nha thông tin về các dự án giao thông, đặc biệt là những dự án thuộc lĩnh vực đường sắt (bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao và các dự án đường sắt kết nối).

VNF
Kinh phí dành cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 60 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Thông tin này được đại sứ đặc mệnh toàn quyền Tây Ban Nha tại Việt Nam Pilar Méndez Jiménez đưa ra tại buổi làm việc mới đây với Bộ Giao thông Vận tải về tiềm năng hợp tác lĩnh vực đường sắt.

Theo đó, phía Tây Ban Nha đánh giá Việt Nam có những điểm tương đồng về mặt địa lý để phát triển hệ thống đường sắt như Tây Ban Nha. Vì vậy, quốc gia này mong muốn có thể có những hợp tác với Bộ Giao thông Vận tải trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng.

Phía Tây Ban Nha đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cung cấp cho Tây Ban Nha thông tin về các dự án giao thông, đặc biệt là những dự án thuộc lĩnh vực đường sắt (bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao và các dự án đường sắt kết nối).

Hiện Chính phủ Việt Nam đã thông qua và ban hành quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ USD. Trong đó, kinh phí dành cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 60 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất về 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435mm (hiện là khổ đơn 1.000mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD.

Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Ưu điểm của phương án này là sẽ hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới... và nhược điểm là chi phí đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.

Đánh giá về 2 phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.

Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.

Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.

Cùng chuyên mục
Tin khác