Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1, Phần Lan có nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới

(VNF) - Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua hai bản luận tội Tổng thống Trump, Phần Lan có nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (9/12-15/12).

Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1, Phần Lan có nữ  thủ tướng trẻ nhất thế giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Trung Quốc vừa công bố thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước.

"Chúng tôi đã đồng ý một Thỏa thuận giai đoạn 1 rất lớn với Trung Quốc. Họ đồng ý nhiều thay đổi cấu trúc, chấp nhận mua nông sản, năng lượng, hàng hóa, nhiều thứ khác", Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 13/12.

Theo Reuters, Phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Washington sẽ duy trì mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và mức thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác sẽ được giảm xuống còn 7,5 %. Vòng đánh thuế tiếp theo, vốn lên kế hoạch vào cuối tuần này và nhằm vào 160 tỷ USD hàng hóa, sẽ bị hủy bỏ.

Ông Trump cũng cho biết vòng đàm phán tiếp theo sẽ được bắt đầu ngay.

Cũng trong ngày 13/12, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã xác nhận thông tin này, cho biết Trung Quốc đã quyết định hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 15/12. Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường nhập khẩu lúa mỳ và ngô của Mỹ.

Theo ông Vương, hiện các quan chức thương mại của Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận thời điểm cũng như địa điểm ký kết thỏa thuận này.

Theo Tân Hoa xã, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 này gồm 9 chương: lời tựa, các quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lương thực và nông sản, các dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp, và các điều khoản cuối cùng.

Phần Lan có nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới

Đảng Dân chủ Xã hội, chính đảng lãnh đạo chính quyền liên minh 5 đảng trung tả tại Phần Lan, ngày 8/12 đã bầu chọn Bộ trưởng Giao thông Sanna Marin trở thành Thủ tướng của nước này để thay thế Thủ tướng Antti Rinne mới tuyên bố từ chức.

Bà Marin đã vươn lên nhanh chóng trong chính trường Phần Lan kể từ khi trở thành lãnh đạo hội đồng thành phố tại quê nhà Tampere ở tuổi 27.

Sanna Marin phát biểu với báo giới tại tòa nhà Quốc hội ngày 10/12.

Ở tuổi 34, bà Sanna Marin trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử của Phần Lan, cũng là trẻ nhất thế giới.

Bà Marin trở thành thủ tướng trong bối cảnh Phần Lan đang diễn ra cuộc biểu tình dài ba ngày, làm tê liệt hoạt động ở một số công ty lớn nhất đất nước từ ngày 8/12. Liên đoàn các ngành công nghiệp Phần Lan ước tính các cuộc đình công khiến các công ty mất tổng cộng 500 triệu euro (550 triệu USD) doanh thu.

Bà Marin cho biết bí quyết thành công của mình rất đơn giản - đó là luôn chăm chỉ làm việc hết sức.

Nội các của tân thủ tướng bao gồm 19 bộ trưởng, trong đó có 13 người là nữ, chính phủ của bà là một liên minh giữa 5 đảng, trong đó người đứng đầu 5 đảng này đều là nữ giới.

Bà Marin dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 12/12 với các lãnh đạo của 27 quốc gia trong khối.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua hai bản luận tội Tổng thống Trump

Ngày 13/12, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua hai bản luận tội, theo đó Tổng thống Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.

Bản luận tội nhận được phiếu ủng hộ của 23 nghị sĩ đảng Dân chủ trong khi vấp phải sự phản đối của 17 nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Ủy ban này.

Cuộc bỏ phiếu diễn hai ngày sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tổ chức cuộc điều trần về các điều khoản luận tội.

Trước đó, ngày 10/12, các hạ nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã đưa ra 2 bản luận tội nhằm vào Tổng thống Trump.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler.

Hai bản luận tội buộc tội nhà lãnh đạo này lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tiến hành phiên điều trần đầu tiên đối với các chuyên gia pháp lý, qua đó thảo luận về cơ sở lịch sử và pháp lý của tiến trình luận tội, phân tích và cân nhắc liệu các bằng chứng thu được hiện nay trong cuộc điều tra luận tội kéo dài nhiều tuần qua có đủ để tiếp tục tiến hành giai đoạn tiếp theo hay không.

Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump do đảng Dân chủ tiến hành bắt nguồn từ cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine, theo đó Tổng thống Trump bị cáo buộc gây sức ép với nhà lãnh đạo Ukraine để điều tra gia đình cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ chính trị tiềm năng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra trên của đảng Dân chủ là "cuộc săn lùng phù thủy".

EU tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/12 đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thêm 6 tháng.

Động thái trên diễn ra một vài ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy, gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức, diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 9/12 vừa qua.

EU tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga.

Tại hội nghị, các bên cam kết thực thi đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn ở Donbass, ủng hộ phát triển và thực thi một kế hoạch rà phá bom mìn được nâng cấp trên cơ sở các hoạt động rà phá theo quyết định ngày 3/3/2016 của Nhóm tiếp xúc ba bên - gồm Nga, Ukraine và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Ngoài ra, lãnh đạo 4 nước sẽ ủng hộ một thỏa thuận của Nhóm tiếp xúc liên quan đến việc tăng thêm ba khu vực giải giáp, với mục tiêu giải giáp các lực lượng và khí tài ở miền Đông Ukraine vào cuối tháng 3/2020.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không đạt được đột phá lớn trong việc giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm tại Ukraine.

Đảng Bảo thủ Anh thắng lớn

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gây bất ngờ các học giả chính trị khi dẫn dắt đảng Bảo thủ của ông giành được một trong những chiến thắng bầu cử ấn tượng nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Kết quả này là minh chứng cho chiến lược của ông Johnson thực hiện chiến dịch tranh cử dựa trên lời hứa duy nhất là “hoàn thành Brexit”. Đây cũng là thất bại nặng nề đối với thủ lĩnh Công đảng Anh Jeremy Corbyn. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do của Anh Jo Swinson cũng mất ghế khi Đảng Quốc gia Scotland chiếm ưu thế  tại Scotland.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Tính đến sáng ngày 13/12, đảng Bảo thủ đã giành được 358 ghế trên tổng số 650 ghế tại Hạ viện, vượt xa so với 203 ghế của Công đảng. Đảng Dân chủ Tự do có 11 ghế còn đảng Quốc gia Scotland có 48 ghế. Kết quả này sẽ giúp đảng của ông Johnson có được đa số ghế tại Hạ viện và mở đường cho Brexit diễn ra vào cuối tháng 1.

“Tôi muốn cảm ơn người dân vì đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 12. Tôi nghĩ đây đã trở thành một cuộc bầu cử lịch sử”, ông Boris Johnson nói, đồng thời nhấn mạnh, kết quả này đã trao cho đảng của ông một nhiệm vụ hoàn toàn mới để thực hiện Brexit.

Xem thêm >> Ủy ban Hạ Viện thông qua điều khoản luận tội, ông Trump chỉ trích gay gắt

Tin mới lên