Tài chính tiêu dùng

Thị trường quản lý tài sản cá nhân: 'Tiềm năng rất lớn nhưng chi phí khai phá rất cao'

(VNF) - Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect cho rằng ở giai đoạn hiện tại, dung lượng thị trường tiềm năng của ngành quản lý tài sản là rất lớn, do đó mức độ cạnh tranh sẽ tiếp tục ở mức thấp, tuy vậy chi phí phục vụ đang ở mức rất cao do tập khách hàng mục tiêu đang chưa có nhiều khái niệm về lĩnh vực mới này.

Thị trường quản lý tài sản cá nhân: 'Tiềm năng rất lớn nhưng chi phí khai phá rất cao'

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect

Thị trường quản lý tài sản cá nhân sôi động nhờ lãi suất giảm sâu

Quản lý tài chính cá nhân không phải ngành xa lạ trên thế giới. Đây là mảng kinh doanh màu mỡ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cho phép triển khai các hoạt động này trực tuyến.

Tại Việt Nam, không chỉ có các công ty chứng khoán, các công ty tài chính tiêu dùng, các ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp tư vấn tài chính cũng đã ra đời để phục vụ nhu cầu có tiềm năng rất lớn này trong thị trường hơn 90 triệu dân.

Dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến cuối năm 2020 là 2,72 triệu, tăng tới gần 400.000 tài khoản sau một năm, chiếm khoảng 2,79% dân số quốc gia. Riêng trong tháng 1/2021 đã có tới hơn 86.000 tài khoản được mở mới.

Nếu cứ giữ mức tăng trưởng này thì cỡ khoảng 5 - 6 năm tới, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân sẽ chiếm khoảng 5% dân số quốc gia. Đây là viễn cảnh khả thi khi nhiều chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất đã thiết lập mức cân bằng mới thấp hơn nhiều mức cũ và điều này hỗ trợ dòng vốn đầu tư cá nhân chảy từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác.

Thống kê cho thấy lượng tiền gửi cá nhân tại hệ thống ngân hàng lên đến 5,1 triệu tỷ đồng và có tới một nửa dân số có tài khoản ngân hàng (đã loại bỏ số trùng).

"Chúng ta may mắn trong 10 năm qua được gửi tiết kiệm với lãi suất rất cao, gần như tiền trở thành tài sản, nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ không còn cơ hội như vậy nữa", Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect Phạm Minh Hương nêu nhận định.

Theo bà Hương, xu thế phát triển chung trên thế giới là lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục giảm. Dòng tiền nhàn rỗi trong dân đang tìm kênh đầu tư an toàn. Bằng chứng rõ ràng là các quỹ đa cấp tài chính đang thu hút được dòng tiền rất lớn, bởi vì người dân không biết bỏ tiền vào đâu.

Vị này cho hay trên thị trường chứng khoán, 95% nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn (trading). Đáng chú ý, gần như sau khoảng 2 năm thì tệp khách hàng bị thay đổi, số khách hàng trụ lại chứng khoán không nhiều.

Bà Hương nhấn mạnh dòng vốn của nhà đầu tư vô cùng cần thiết bởi dòng tiền đầu tư bền vững mới giúp cho doanh nghiệp huy động được vốn, đồng thời đánh giá việc dòng vốn trên thị trường chứng khoán đa phần chỉ giao dịch ngắn hạn "là điều rất đáng tiếc".

"Hiện nay khá nhiều công ty không còn quan tâm đến thị trường niêm yết để huy động vốn nữa mà chủ yếu muốn lên đó để định giá lại tài sản, biến nó trở thành tài sản có thể thế chấp vay vốn, không thèm quan tâm đến các nhà đầu tư trên thị trường vì họ thấy họ không có khả năng huy động. Đó là một thực tế rất khó trong ngành chứng khoán", Chủ tịch VNDirect chia sẻ.

Dòng vốn đầu tư kém bền vững là trăn trở chung của ngành chứng khoán. Trong một buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 20 năm vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng nêu quan điểm rằng cần phải để người dân nhận thức được chứng khoán cũng là một kênh tiết kiệm, lưu giữ tài sản, tương tự như vàng, bất động sản…

"Khi người dân có thể hiểu được điều này, thị trường sẽ tiếp tục mở rộng, cơ sở nhà đầu tư phát triển tốt hơn dù tốc độ chưa thể nhanh ngay. Hiện nay, 2 triệu tài khoản chứng khoán được mở, nhưng số tài khoản giao dịch thực tế chỉ vài trăm nghìn”, ông Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh cần từng bước phổ cập kiến thức chứng khoán tới người dân.

Bối cảnh này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp ngành tài chính Việt Nam tìm đến và thay đổi thói quen quản lý tài sản của người dân.

Mất 2-3 năm để khai phá nhu cầu với chi phí rất cao

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Khối Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay xét về nhu cầu tiềm năng, tổng số lượng khách hàng có nhu cầu đầu tư tài sản đang ở mức rất cao so với lịch sử và tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhận thức về sự cần thiết về việc sử dụng dịch vụ quản lý tài sản thì lại đang ở mức rất thấp. Người dân có thói quen giữ kín vấn đề tài chính cá nhân mà không đi tìm sự hỗ trợ để có thể có năng lực kiến tạo sự tự chủ, vững vàng tài chính.

Thực trạng này là điểm khó cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hiện tại nhưng cũng là điểm rất triển vọng dành cho đơn vị nào có thể khai mở được thị trường mục tiêu này. Tại Đài Loan, trong số 24 triệu dân thì có tới 14 triệu người có tài khoản đầu tư.

Ông Tuấn Anh nhận định thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn khách hàng về bản chất có nhu cầu, tuy nhiên nhu cầu ở dạng ẩn.

"Các đơn vị tham gia thị trường bao gồm Ngân hàng bán lẻ, Bảo hiểm, Chứng khoán.. đang dần tìm các cách khác nhau đào tạo thị trường. Giai đoạn đào tạo này thường rất khó khăn và mất thời gian tương đối dài, ước lượng 2-3 năm tới", Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect nêu quan điểm.

Theo ông Tuấn Anh, đây là giai đoạn các đơn vị nêu trên sẽ tốn khá nhiều nguồn lực để truyền thông, thử nghiệm mô hình, thử nghiệm phân khúc.. Do đó, người tiêu dùng sẽ được chứng kiến sự sáng tạo trong sản phẩm dịch vụ đặc biệt với sự có mặt của công nghệ và hỗ trợ của nền tảng pháp lý (như gần đây, thị trường đã có xác thực điện tử eKYC).

"Sau giai đoạn này, tôi hy vọng thị trường sẽ dần định hình để chúng ta sớm đạt quy mô đủ lớn giúp giảm chi phí sản phẩm dịch vụ khi đến tay người tiêu dùng", vị quản lý này bày tỏ.

Ông Tuấn Anh cũng nêu quan điểm rằng VNDirect không sợ cạnh tranh và không coi các đơn vị khác trong ngành là đối thủ cạnh tranh, thậm chí mong muốn có thêm nhiều thành viên tham gia thị trường, bởi như thế, thị trường càng được mở rộng nhanh hơn, khách hàng cũng có nhiều cơ hội để trải nghiệm và hiểu rõ hơn về bản chất của mảng dịch vụ mới này.

"Giai đoạn này, tôi cho rằng dung lượng thị trường tiềm năng là rất lớn, do đó mức độ cạnh tranh sẽ tiếp tục ở mức thấp, tuy vậy chi phí phục vụ đang ở mức rất cao do tập khách hàng mục tiêu đang chưa có nhiều khái niệm về lĩnh vực mới này", Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect cho hay.

Tin mới lên