Thị trường sụt giảm, doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ phá sản

Vĩnh Chi - 11/01/2020 15:33 (GMT+7)

(VNF) – Đó là nhận xét của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) về thị trường bất động sản năm 2019.

VNF
Thị trường sụt giảm, doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ phá sản

Theo HoREA, năm 2019 là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.

Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018.

Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, giảm 20% so với năm trước.

Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Tại TP. HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý; cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Hồi tháng 3/2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.

Kết quả là năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được UBND TP. HCM “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, giảm 92%;

Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, giảm 85%;

Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, giảm 80%;

Chỉ có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư “đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai”, giảm 14,1% so với năm 2018, bao gồm: căn hộ cao cấp có 15.758 căn, chiếm tỷ lệ 67,1%; căn hộ trung cấp có 5.284 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 22,5%; căn hộ bình dân có 2.395 căn, chiếm tỷ lệ 10,2%.

Số lượng dự án nhà ở tập trung nhiều nhất tại quận 9 (9 dự án), quận 7 (8 dự án), quận 2 (6 dự án), huyện Bình Chánh (4 dự án).

Năm 2019, không có dự án nhà ở xã hội (mới), và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội (cũ) với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Mặc dù nguồn cung khan hiếm, nhưng theo HoREA, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thành phố nhìn tổng thể vẫn tốt do “tổng cầu có khả năng thanh toán” vẫn cao. Gần như 100% căn hộ trung cấp, căn hộ bình dân đã được tiêu thụ và có những dự án nhà ở cao cấp có tỷ lệ tiêu thụ lên đến hơn 60% trong năm 2019.

Riêng hoạt động kinh doanh cho thuê nhà, HoREA cho hay hoạt động này đã có dấu hiệu sụt giảm hiệu quả đầu tư, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt bằng hoặc thấp hơn lãi suất tiết kiệm, nên sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thứ cấp trong những năm sắp tới.

Về tác động của sự suy giảm thị trường bất động sản, HoREA cho biết nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất của TP. HCM năm 2019 bị sụt giảm đáng kể so với năm 2018 và nhất là so với năm 2017.

Cụ thể, thu tiền sử dụng đất 2019 chỉ đạt 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2018 và giảm 18,2% so với năm 2017. Thu tiền thuê đất đạt 6.031 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2018.

Năm 2019, số nợ tiền sử dụng đất là 974 tỷ đồng tăng 33,4% so với năm 2018. Số nợ tiền thuê đất là 2.837 tỷ đồng, tăng đến 85,9% so với năm 2018.

Việc nhiều dự án nhà ở chưa được UBND thành phố ban hành quyết định thu tiền sử dụng đất, do vướng mắc về cách tính tiền sử dụng đất đối với các thửa đất công xen kẹt trong dự án và cả các phương pháp xác định giá đất, đã khiến các chủ đầu tư không thể thực hiện được nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Do vậy, dự án không hội đủ điều kiện để được huy động vốn từ khách hàng, làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhất là chi phí tài chính và làm tăng giá bán nhà, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.

Theo HoREA, sự sụt giảm của thị trường nhà ở cũng khiến các doanh nghiệp nhà thầu lao đao. Năm 2019, các doanh nghiệp xây dựng bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận.

Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng dù có khó khăn, thị trường bất động sản thành phố hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, tính thanh khoản vẫn tốt và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013.

“Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật”, hiệp hội nhận xét.

Dù vậy, HoREA cũng lưu ý rằng thị trường bất động sản có "độ trễ", do đó nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Dự báo triển vọng thị trường năm 2020, HoREA cho rằng có thể từ quý III/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.

Năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. 

HoREA cho rằng trong 06 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức. 

Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 01-02 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm trong năm 2020.

Cùng chuyên mục
Tin khác