Thu hồi 26.300 tỷ sai phạm ở Thủ Thiêm là nhiệm vụ bất khả thi?

Sỹ Đông - 14/08/2019 16:52 (GMT+7)

Chuyên gia cho rằng thu hồi 26.300 tỷ đồng trong 6 tháng với điều kiện hàng loạt dự án của TP. HCM đang giậm chân tại chỗ do thiếu kinh phí là điều không khả thi.

VNF
Chuyên gia cho rằng TP. HCM có thể truy thu tiền sử dụng đất từ các doanh nghiệp trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.

Chiều 14/8, UBND TP. HCM tổ chức họp báo công bố triển khai kế hoạch của TP thực hiện kết luận số 1037 của Thanh tra Chính phủ liên quan sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Một trong những kiến nghị về xử lý kinh tế mà Thanh tra Chính phủ nêu ra trong kết luận thanh tra đó là UBND TP. HCM phải thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định dùng đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tính đến ngày 30/9/2018, khoản tiền này hơn 26.300 tỷ đồng.

Không thể lấy ngân sách đền bù cho cái sai của các nhiệm kỳ trước

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế IEM, đánh giá yêu cầu thu hồi 26.300 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng là một thử thách quá sức đối với thành phố.

Vị chuyên gia này nêu thực tế hàng loạt dự án đang giậm chân tại chỗ, giải ngân chậm, tiến độ giải phóng mặt bằng ì ạch do thiếu kinh phí nên rất khó để thành phố thu xếp một khoản tiền lớn nộp về ngân sách.

Ông Thắng đưa ra một số cách huy động nguồn vốn như trái phiếu chính quyền nhân dân, xổ số kiến thiết. Thế nhưng, với số tiền lên đến 26.300 tỷ cần huy động trong thời gian ngắn thì cả 2 phương án trên không khả thi.

Trong khi đó, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng sai phạm nghiêm trọng nhất của TP. HCM là lấy tiền ngân sách để bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án đầu tư trái với Luật Ngân sách. Do đó, thành phố không thể lấy ngân sách để thi hành kết luận thanh tra do cái sai của các nhiệm kỳ trước.

Ông Đặng Hùng Võ cho hay Ban Quản lý dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm phải vay ngân hàng, kho bạc (nếu còn tiền cho vay) để thi hành kết luận thanh tra rồi bán đấu giá đất bên trong khu đô thị để hoàn trả cho các tổ chức tín dụng.

“Trong trường hợp bán đấu giá đất vẫn không đủ tiền hoàn trả ngân sách thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân vi phạm bởi đầu tư một khu đô thị lớn như Thủ Thiêm thì không thể lỗ được”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng thành phố cũng có thể truy thu từ các doanh nghiệp đã được giao đất không qua đấu giá để nộp vào ngân sách. Theo ông Đặng Hùng Võ, các doanh nghiệp này phải bồi thường, hỗ trợ tái định cư rồi trừ vào nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng họ không thực hiện.

Phương án đấu giá các khu đất sạch được đánh giá là khả thi nhất nhằm hoàn trả tiền tạm ứng sai quy định. Ảnh: Lê Quân.

Về phương án truy thu từ doanh nghiệp, ông Trần Quang Thắng đánh giá việc này khó thực hiện do thành phố và doanh nghiệp ràng buộc nhau bằng hợp đồng. Nếu thành phố bắt buộc doanh nghiệp nộp thêm tiền thì sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư bởi doanh nghiệp sẽ không lường trước được những rủi ro sau này.

Ông Thắng cho rằng để hoàn trả hơn 26.300 tỷ, cần có sự hỗ trợ từ Trung ương chứ chỉ thành phố thì không thể giải quyết. Trong trường hợp thành phố xoay xở bằng mọi cách như tận thu, tăng các loại phí, thuế thì hệ lụy để lại sẽ rất lớn cho nền kinh tế.

TP. HCM cầu cứu Thủ tướng

Sau hơn 1 tháng thực hiện kết luận thanh tra, UBND TP. HCM đã phải cầu cứu Thủ tướng vì gặp khó khăn trong việc thu hồi khoản tiền này.

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 8/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết khoản tiền đã tạm ứng chủ yếu dùng để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các khoản vay của Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Để thu hồi khoản tạm ứng này, thành phố cần thực hiện các thủ tục để quyết toán vào dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do đó, ông Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án này theo quyết định số 2466 năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh tại quyết định 2971 năm 2010.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong vừa báo cáo Thủ tướng khó khăn khi thu hồi hơn 26.300 tỷ đồng ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Huy.

Điều này đồng nghĩa với việc giữ nguyên giá trị pháp lý về thẩm quyền của TP. HCM trong phê duyệt, điều chỉnh dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cập nhật bổ sung chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong phần diện tích 4,39 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An.

Phân tích báo cáo của UBND TP. HCM, GS. Đặng Hùng Võ thắc mắc tại sao thành phố chỉ viện dẫn các ý kiến của Thủ tướng, Bộ Xây dựng, và Bộ Tài chính mà không nêu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

"Nếu trưng ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2005 đến năm 2007 thì chắc chắn là Bộ không đồng ý với UBND TP. HCM", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Bên cạnh đó, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đều yêu cầu thành phố phải làm theo quy định của pháp luật. “Thành phố không nói ra mình đã làm sai quy định pháp luật nào để sửa sai mà lại viện dẫn các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ như một điểm tựa”, ông Võ nhận định.

>>> Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an làm rõ thông tin Alibaba rao bán ‘dự án ma’

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác