Thu thuế thương mại điện tử: Một mình ngành thuế không thể giám sát và thực hiện

Thùy Linh - 07/09/2018 11:06 (GMT+7)

Để quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập "khủng" từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không thể thiếu vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên, trong đó có ngân hàng. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa cơ quan Thuế và ngân hàng sao cho nhịp nhàng và chặt chẽ vẫn cần đến sự thỏa thuận của hai bên.

VNF
Luật sư Hà Huy Phong.

Phóng viên đã trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Tại Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến có nội dung về quản lý thuế thương mại điện tử, trong đó có ghi rõ trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc phối hợp thu thuế đối với cá nhân có thu nhập lớn từ kinh doanh thương mại điện tử như: cung cấp thông tin tài khoản; khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo ông quy định này có khả thi?

Ngân hàng thương mại là một tổ chức tín dụng, hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp và tìm kiếm nguồn doanh thu, lợi nhuận từ thị trường và khách hàng. Quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là quan hệ kinh tế bình đẳng. Các quyền và nghĩa vụ giữa ngân hàng và khách hàng được xác lập trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện.

Theo Điều 10, Luật các Tổ chức Tín dụng, ngân hàng có nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo các quyền của khách hàng. Đồng thời có quyền từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử hiện nay khá đa dạng và thay đổi liên tục, nên nếu yêu cầu ngân hàng thương mại thực hiện việc khấu trừ, trích nộp sẽ có khó khăn bởi ngân hàng thương mại không thể nhận diện, phân biệt được lý do và mục đích của dòng tiền chảy qua tài khoản khách hàng, đặc biệt là đối với tài khoản của cá nhân.

Nếu thực hiện theo yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho chính ngành thuế bởi vấn đề liên quan đến xác định thu nhập chịu thuế. Ngân hàng chỉ có thể làm được việc là trích nộp, khấu trừ nếu tài khoản cá nhân đó còn tiền, nhưng không thể gánh vác trách nhiệm rà soát và phân loại nguồn tiền chịu thuế.

- Vậy, trong trường hợp nào việc yêu cầu "khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam" (theo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi)) của cơ quan Thuế với các ngân hàng là hợp lý, thưa ông?

Cần phải khẳng định nộp thuế là một nghĩa vụ của đối tượng có thu nhập đến ngưỡng chịu thuế. Khi đối tượng nộp thuế không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm quy định của Nhà nước sẽ làm phát sinh quyền cưỡng chế của cơ quan Nhà nước đối với đối tượng nộp thuế đó. Lúc đó, cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng khấu trừ, trích nộp tại tài khoản như một biện pháp cưỡng chế phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc thu thuế và cưỡng chế thu thuế là hoạt động và nghĩa vụ của cơ quan thuế. Trong giai đoạn nền kinh tế phát triển với sự tham gia của nhiều yếu tố công nghệ và hội nhập quốc tế như hiện nay, cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn trước việc thu thuế.

Do đó, việc phối hợp giữa ngành thuế và ngân hàng thương mại là hết sức quan trọng để đảm bảo chống thất thu ngân sách, đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa chính các đối tượng nộp thuế với nhau. Tuy nhiên, cách thức và biện pháp như thế nào để đạt được mục đích thu thuế với sự hợp tác từ ngân hàng thương mại thì cần phải nghiên cứu thêm, để tránh bị coi là hành chính hóa quan hệ kinh tế.

- Thực tế, hiện nay không ít cá nhân có doanh thu "khủng" nhờ kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, không nhiều cá nhân thực hiện kê khai và đóng thuế đầy đủ. Chỉ khi cơ quan thuế thực hiện rà soát, cùng với sự cung cấp thông tin giao dịch từ phía ngân hàng thì mới có thể phát hiện và yêu cầu những đối tượng này đóng thuế. Vậy theo ông, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan phải phối hợp như thế nào để sao cho ngân sách nhà nước không bị thất thu và hợp lý trong nghĩa vụ và quyền lợi của đôi bên?

Tự bản thân ngành thuế không thể giám sát, phát hiện và thực hiện việc thu thuế một cách hiệu quả đối với tất cả đối tượng nộp thuế nếu không có sự tham gia và phối hợp từ các cơ quan Nhà nước khác, trong đó có các ngân hàng.

Tôi cho rằng bên cạnh yêu cầu ngân hàng thực hiện việc khấu trừ, trích nộp như trên, Bộ Tài chính cũng nên tìm cách phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác (như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng….) đưa ra các quy định buộc các đối tượng nộp thuế có trách nhiệm mở tài khoản và ủy quyền cho ngân hàng tự động khấu trừ vào số dư tài khoản của khách hàng để thực hiện nghĩa vụ thuế.

Sự ủy quyền như vậy thể hiện được tính tự nguyện và bình đẳng trong quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng. Ngân hàng thương mại chỉ là đơn vị phối hợp. Khi có sự ủy quyền từ khách hàng, thì ngân hàng có nghĩa vụ thực hiện sự ủy quyền từ khách hàng.

Ngân hàng thương mại cũng là một đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có chức trách khác. Khi có lệnh, yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, thì ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phối hợp.

Ví dụ khi cá nhân có tài khoản bị cơ quan thuế xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế, thì ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phối hợp trong việc phong tỏa tài khoản, khấu trừ tài khoản …

Theo Hải quan
Cùng chuyên mục
Tin khác