Thủ tướng: 'Lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ đi đầu trong chuyển đổi số'

Ngọc Lưu - 24/11/2021 11:43 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số.

VNF
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Ngày 24/11, tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Thủ tướng đánh giá chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn ở nhiều quốc gia. Chuyển đổi số tác động tới mọi quốc gia, là vấn đề toàn cầu nên cách tiếp cận phải toàn cầu, tác động tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn dân.

Theo Thủ tướng, Việt Nam tiến hành chuyển đổi số theo cách tiếp cận tổng thể, liên thông và đẩy mạnh hợp tác công - tư. Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng rất nhanh và Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Cùng với đó, Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số...

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số

"Chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số. Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”, Thủ tướng nói.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin và trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần 2-2,5 triệu lao động cho lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các chính sách đào tạo như thí điểm xây dựng các chuyên ngành về chuyển đổi số, đào tạo hoàn toàn trực tuyến với chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn.

còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình và tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số.

Cùng chuyên mục
Tin khác