Thủ tướng: 'Triển khai dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô nhanh nhất có thể'

Chí Bình - 26/01/2022 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội lập ngay tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô, đồng thời nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.

VNF
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với đánh giá của các bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Việc xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được đánh giá sẽ góp phần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất của Thủ đô và các địa phương trong khu vực; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…

Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3.

Thủ tướng cũng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô theo hình thức đầu tư hỗn hợp, chia tách thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn trung ương và vốn địa phương); dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua và nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội thành lập ngay tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô. Tổ có nhiệm vụ rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô cũng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên Chính phủ phụ trách về lĩnh vực đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình trình Quốc hội đối với dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tổ công tác triển khai dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 111,2km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án qua địa phận 7 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên, gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP. Bắc Ninh).

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư 90.399 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: công tác giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành, tuyến nối Quốc lộ 18; xây dựng hệ thống đường cao tốc.

Trong báo cáo mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trình UBND TP. Hà Nội hồi tháng 10, có 2 nhà đầu tư độc lập và 1 liên danh nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thì đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.