TP. HCM: Cấp phép xây dựng giảm 21% so với cùng kỳ
Trần Lê -
28/06/2022 17:20 (GMT+7)
(VNF) - Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP. HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã cấp 15.186 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ giảm 21%), với tổng diện tích sàn xây dựng 3,5 triệu m2.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng với 26.457 lượt, giảm 13.126 lượt so với cùng kỳ năm 2021 (tỷ lệ giảm 33,2%).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 189 trường hợp, giảm 123 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021 là 312 trường hợp (tỷ lệ giảm 39,4%).
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp 4.806 giấy chứng nhận lần đầu; đăng ký biến động 262.162 giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn.
Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP. HCM nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng mới đây, đại diện doanh nghiệp đã nêu tình trạng nhiều khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang xảy ra tại các huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… trong khi doanh nghiệp muốn xây dựng công trình, kho bãi để lưu trữ hàng hoá lại không được.
Vấn đề này sẽ khiến người dân, doanh nghiệp chuyển sang các tỉnh, thành phố lân cận khác để mua đất kinh doanh, khiến thành phố mất nguồn thu.
Doanh nghiệp cũng nêu tình trạng phải đi 3 cửa từ Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đến Sở Kế hoạch và Đầu tư rồi mới được cấp phép, là quá khó khăn.
Đại diện doanh nghiệp lo ngại, nếu việc chậm cấp phép kéo dài, không sớm tháo gỡ sẽ có tình trạng doanh nghiệp đi tỉnh triển khai dự án và TP. HCM sẽ bị ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Thời gian qua, không ít đại gia bất động sản lớn đã triển khai dự án ở địa phương khác, thay vì TP. HCM do gặp khó khăn về thủ tục đầu tư.
Chỉ riêng về thủ tục cấp phép, nếu đúng quy trình, 1 dự án kể từ khi bắt đầu đến xong giấy phép phải mất từ 1,5-2 năm, có dự án bị kéo dài đến 5 năm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone