TP. HCM: Tất cả hàng quán bán mang về đã đóng cửa, chỉ còn 1/3 số chợ truyền thống hoạt động

Trần Lê - 10/07/2021 15:18 (GMT+7)

(VNF) - Hiện tất cả hàng quán bán mang về trên đường phố, trong ngõ hẻm tại TP. HCM đều đã ngưng hoạt động.

VNF
Người dân TP. HCM được yêu cầu ở nhà, chỉ ra đường khi có nhu cầu chính đáng (ảnh minh họa: báo NLĐ)

TP. HCM kiên quyết giám sát

Bước vào ngày thứ hai áp dụng giãn cách xã hội trên toàn TP. HCM, trước các biện pháp kiên quyết và đồng loạt của chính quyền, không còn các hàng quán bán thức ăn mang về.

Ngay cả các điểm bán “lén”, mở hé cửa chỉ lọt 1 người ra đưa hàng cho khách quen, cũng đã phải ngưng hoạt động. Những người có thói quen mua thức ăn nấu chín sẵn, từ bánh mì, hủ tíu, xôi, bún, chả… nay cũng buộc phải dùng thức ăn tự chế biến trong nhà, hoặc chỉ có thể mua một vài món có trong siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Hôm qua, ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, từng quận, huyện đã thực hiện giám sát chặt chẽ các hoạt động của từng phường, xã. Có tình trạng một số người vẫn đến công viên Gia Định tập thể dục và bị lực lượng chức năng thuộc UBND phường 9, quận Phú Nhuận, kiểm tra, xử phạt mỗi trường hợp 2 triệu đồng.

Hiện cửa ngõ ở các quận đều có các chốt kiểm tra, trường hợp người dân ra ngoài không có lý do chính đáng sẽ bị nhắc nhở quay trở về nhà; người có đầy đủ giấy phép thể hiện được lý do mới được tiếp tục di chuyển.

Giá thực phẩm bán lẻ tại TP. HCM đã tăng

Về nhu cầu mua bán thực phẩm của người dân, theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương TP. HCM, đến chiều ngày 9/7, toàn thành phố đã tạm ngưng hoạt động 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 6/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi

Như vậy, toàn thành phố chỉ còn 1/3 số chợ truyền thống đang hoạt động, toàn bộ 3 chợ đầu mối của TP. HCM đã tạm ngưng hoạt động. 

Thực tế là giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, thủy hải sản, rau củ quả… đều đã tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn/kg tùy loại.

Lý giải về giá tăng, theo Sở Công Thương TP HCM, những chợ còn đang mở cửa bán hàng thì tiểu thương không nhập hàng về nhiều trong khi sức mua tăng vọt trong vài ngày qua. Trong một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung nguồn nên đã tự động nâng giá lên cao.

Một lý do nữa là hầu hết các thương nhân chợ đầu mối đang bán hàng qua điện thoại, phải điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ trong khi giá xăng tăng. Việc vận chuyển rau củ, thịt cá từ các tỉnh, thành về TP. HCM tiêu thụ gặp khó khăn do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chí phí xét nghiệm, thời gian… Tất cả đều tính vào chi phí giá thành nên giá bán đến tay người tiêu dùng biến động theo.

Giá bán sỉ tại các tỉnh đang rớt

Ghi nhận cho thấy, từ các nguồn cung ứng cho TP. HCM như các nhà vườn cho đến hộ, trang trại chăn nuôi đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ, thậm chí nhiều vùng rau, trái cây khó tìm thương lái thu mua. Nguyên nhân chủ yếu là do 3 chợ đầu mối lớn ở TP. HCM đều tạm ngưng hoạt động, khiến giá nông sản giảm sâu.

Sản phẩm chăn nuôi như lợn, gia cầm bán tại trại cũng đang rớt giá.

Tại TP. Long Khánh, nhà vườn không có khách do dịch Covid-19, chôm chôm thường bán 1-2 ngàn đồng/kg vẫn không có thương lái đến mua. Nhiều loại trái cây đặc sản thường bán được giá cao như bơ, măng cụt, mít… đồng loạt rớt giá.

Hoạt động cung cấp trái cây vào thị trường tiêu thụ lớn nhất nước là TP. HCM gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều vùng trồng đồng loạt vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá các loại trái cây giảm sâu. 

Đối với các mặt hàng rau, nấm tươi sống cần thu hoạch hằng ngày, vài tuần trở lại đây, việc cung cấp hàng vào thị trường TP. HCM giảm mạnh, trong khi đây là thị trường tiêu thụ chính nên giá nấm cung cấp cho các mối hàng chỉ còn 7 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất mà vẫn lo ùn ứ hàng, khó tiêu thụ.

Người chăn nuôi cũng đang gặp khó vì giá gia cầm, lợn hơi cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, giá lợn hơi bán tại trại chỉ còn từ 54-56 nghìn đồng/kg, giảm 10 nghin đồng/kg so với tháng trước đó. Nhiều trại có lợn trọng lượng lớn sẵn sàng bán thấp hơn hẳn mức giá chung của thị trường để đẩy được hàng. Giá lợn giảm sâu do các chợ đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất ở TP. HCM đều tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.

Hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt lợn.

Giá gia cầm bán tại trại cũng đang giảm sâu. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam, ngay sau khi các chợ đầu mối ở TP. HCM lần lượt tạm ngưng hoạt động, giá gà công nghiệp tiếp tục giảm sâu. Hiện giá gà bán tại trại đang dưới giá thành sản xuất, chỉ còn 22-23 nghìn đồng/kg, giảm 4-5 nghìn đồng/kg so với tuần trước đó.

Cùng chuyên mục
Tin khác