TP. HCM thí điểm mở 5 tuyến xe buýt điện trợ giá hơn 44% từ quý I/2022

Trần Lê - 15/02/2022 21:52 (GMT+7)

(VNF) - UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương tổ chức 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP. HCM.

VNF
TPHCM thí điểm mở 5 tuyến xe buýt điện trợ giá hơn 44% từ quý 1/2022 (Ảnh minh họa).

Theo văn bản do UBND TP. HCM ký gửi Sở Giao thông vận tải TP. HCM, thời gian thực hiện thí điểm 24 tháng kể từ khi các tuyến xe buýt điện bắt đầu hoạt động.

Trong thời gian thí điểm, Sở Giao thông vận tải thực hiện đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG).

Tỷ lệ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%, được xem xét điều chỉnh theo quy định sau khi Bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được UBND thành phố ban hành.

Kinh phí trợ giá là từ nguồn vốn sự nghiệp. Dự kiến thời gian khai thác tuyến buýt đầu tiên là quý I/2022.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông vận tải cân nhắc việc áp dụng công nghệ, phương án bán vé, thu phí xe buýt điện để tạo thuận tiện cho người dân và dễ kiểm soát doanh thu để làm căn cứ điều chỉnh chính sách hỗ trợ.

Sau giai đoạn thí điểm sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố.

5 tuyến buýt điện trước đó được đề xuất thí điểm gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia).

Trên 5 tuyến này sẽ có khoảng 77 xe được đầu tư, mỗi xe 65-70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động 5-21h mỗi ngày.

Giá vé dự kiến áp dụng 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000-7.000 đồng với nhóm khách còn lại. Tập 30 vé giá từ 112.500-157.500 đồng, tuỳ tuyến.

Những tuyến xe trên sẽ sử dụng 6 điểm đầu cuối, trong đó 5 điểm đang hoạt động gồm: bến xe buýt Sài Gòn (quận 1); bãi hậu cần số 1 (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia và Bến xe miền Đông mới (TP. Thủ Đức). Điểm còn lại trong khu dân cư Vinhome Grand Park, nhà đầu tư xây dựng bến bãi rộng 2.000 m2, đủ cho 20 xe đậu và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

Buýt điện khi hoạt động sẽ sử dụng các điểm dừng xe buýt hiện hữu để đón trả khách, đồng thời tăng thêm một số vị trí khác để thuận tiện cho khách tiếp cận. Dự kiến hành trình các tuyến sẽ bổ sung thêm 7 điểm dừng trên đường D1 thuộc Khu Công nghệ cao và hai điểm trên đường Phước Thiện (TP. Thủ Đức).

TP. HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Thành phố trước đó đã thí điểm các tuyến buýt điện dưới 15 chỗ ở khu trung tâm và huyện Cần Giờ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, khách tham quan, du lịch...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.