TP. HCM tổng rà soát quy hoạch sử dụng đất để lập các đô thị vệ tinh

Nguyễn Tường - 16/08/2018 19:19 (GMT+7)

(VNF) - Ngoài việc chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp lên đến 26.000ha, TP. HCM sẽ chú trọng công tác rà soát hiện trạng quản lý và quy hoạch sử dụng đất để đẩy nhanh việc phát triển các đô thị vệ tinh

VNF

Theo Nghị quyết 80 của Chính phủ, TP. HCM sẽ đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng. Cụ thể, phía đông: phường Long Trường, quận 9 (giáp với trục cao tốc TP. HCM-Long Thành-Dầu Giây), diện tích khoảng 280ha; phía Tây: khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200ha), trục Nguyễn Văn Linh; phía Nam: khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110ha); phía Bắc: thuộc khu Tây - Bắc (500ha), hướng Quốc lộ 22.

Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất lần này tạo điều kiện phát triển cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hạ tầng đô thị, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kể cả đất dành cho an ninh quốc phòng. Đồng thời, thành phố phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất canh tác còn lại, làm sao nâng cao được năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, cho biết nhóm đất nông nghiệp được điều chỉnh đến năm 2020 là 88.005ha, giảm so với năm 2010 là 118.052ha; trong khi đó  nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890ha, tăng so với quy hoạch vào năm 2010 là 90.868ha.

Để việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, các địa phương phải công khai Nghị quyết 80 với kế hoạch sử dụng đất từng năm và các dự án cụ thể, chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 để người dân biết và giám sát.

Các dự án sử dụng đất phải công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của người dân. Việc công khai này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án; còn người dân giám sát nhằm bảo đảm quyền lợi của người có đất, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất.

”Đối với quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý -đất công, tổ chức rà soát đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, công bố công khai thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất nhằm nâng cao giá trị các khu đất, góp vào nguồn thu ngân sách thành phố. Các dự án được giao đất sử dụng không đúng mục đích, căn cứ vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi và đấu giá công khai minh bạch, giao Sở Tài  nguyên Môi trường, Sở Tài chính thống kê lại để có giải pháp xử lý”, ông Phong nói.

Ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài  nguyên và Môi trường), cho rằng việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch đất rất khó khăn và phức tạp, chứ không phải phê duyệt là triển khai được ngay. Do đó, TP. HCM cần triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất mang tính đồng bộ.

Để thực hiện được việc này phải có nguồn lực tài chính lẫn con người; đồng thời phải tăng cường công tác thanh - kiểm tra và phải có đánh giá sử dụng đất hàng năm. Lâu nay có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích; khi giao dự án chuyển nhượng hết người này qua người kia để "ăn" chênh lệch giá. Vì vậy, chủ trương của thành phố là tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhưng đồng thời phải quyết liệt chấn chỉnh, không để lợi dụng trục lợi từ việc giao đất, dự án.

Cùng chuyên mục
Tin khác