Trong khi Australia phản đối, 2 nước lên tiếng ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP

Thanh Tú - 21/09/2021 17:02 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi Australia đặt "đá tảng" ngăn Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì có 2 nước lên tiếng ủng hộ là Singapore và Malaysia.

VNF
Ảnh minh họa.

Trong tuyên bố phát ra hôm nay (21/9), Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia khẳng định nước này “đặc biệt hưởng ứng bước đi gần đây” của Trung Quốc khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Cũng trong tuyên bố, bộ này bày tỏ tin tưởng rằng "quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Malaysia và Trung Quốc sẽ phát triển lên tầm cao hơn”.

Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia về cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Malaysia đã ký CPTPP và quá trình phê chuẩn có thể hoàn tất trong năm nay.

Trước đó, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Singapore ngày 13/9, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định ông hoan nghênh việc Trung Quốc xem xét gia nhập Hiệp định CPTPP.

Hãng tin Nikkei dẫn ý kiến của các nhà phân tích cho hay các nước thành viên CPTPP trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam, sẽ có xu thế ít phản đối việc Trung Quốc gia nhập hiệp đinh bởi ASEAN có vị trí địa lý gần với Trung Quốc cũng như có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước này.

Ngoài ra, cả ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đang đẩy nhanh việc đưa hiệp định này vào thực thi.

CPTPP đứng thứ ba trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất sau RCEP (trị giá 26.000 tỷ USD) và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (trị giá 21.100 tỷ USD).

Việc Trung Quốc tham gia sẽ đưa CPTPP trở thành hiệp định thương mại tự do có giá trị nhất từng được ký kết. Hiện 11 nước thành viên CPTTP có tổng giá trị kinh tế trị giá khoảng 13.500 tỷ USD, tương đương khoảng 13% GDP toàn cầu.

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, có một số nước thành viên thận trọng với việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Nhật Bản, nước giữ vai trò chủ tịch CPTPP năm nay và có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cho biết nước này sẽ tham vấn các nước và phân tích cẩn thận để xem Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu tham gia CPTPP hay không.

Nhật Bản dường như đang nâng cao cảnh giác trước viễn cảnh Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong việc định hình thương mại châu Á.

Bên cạnh đó, Australia cũng có thể là trở ngại lớn khi quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang ở mức thấp vì căng thẳng ngoại giao, chính trị, thương mại. Việc gia nhập CPTPP cần phải có sự phê chuẩn của tất cả 11 quốc gia thành viên.

Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan ngày 17/9 cho rằng Trung Quốc không nên tham gia CPTPP cho đến khi nước này thuyết phục được các thành viên về việc “tuân thủ” các Hiệp định thương mại hiện có cũng như các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ông Tehan tuyên bố Australia sẽ phản đối nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các đòn tấn công thương mại nhằm vào ngành xuất khẩu của Australia và nối lại liên lạc cấp bộ trưởng với chính quyền Thủ tướng Scott Morrison.

Mexico cũng thể hiện quan điểm thận trọng khi tuyên bố rằng CPTPP mang tính chất mở đối với các quốc gia đáp ứng được tiêu chuẩn cao, ngụ ý nói đến những vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế Trung Quốc, như bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện tại, các thành viên CPTPP còn lại như Brunei, Việt Nam, Canada và Peru chưa bình luận về sự tham gia của Trung Quốc.

Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Đối với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Nhật Bản hiện nắm quyền Chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định CPTPP, trong khi New Zealand phụ trách tiếp nhận yêu cầu gia nhập hiệp định.

Trước khi được 11 quốc gia thành viên ký vào năm 2018, CPTPP ban đầu có tên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được coi là đối trọng kinh tế với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Mỹ đã rút khỏi hiệp định này năm 2017 dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Xem thêm >> Chứng khoán toàn cầu 'rực lửa' trước nguy cơ 'bom nợ' Evergrande phát nổ

Theo Nikkei
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.