Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Theo kết quả đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới đây, Công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá khu đất 3-5 (6.446 m2) với giá 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm; Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 (8.500 m2) với giá trúng 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với mức giá khởi điểm.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại Bình Minh (có trụ sở tại Hà Nội) trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ đồng/m2), gấp 7 lần giá khởi điểm.
Đặc biệt, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm.
Như vậy, TP sẽ thu về ngân sách 37.346 tỷ đồng tư việc đấu giá 4 lô đất nói trên.
Theo quy chế đấu giá tài sản do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM ban hành (đã được bên tham gia đấu giá đã chấp thuận), chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành, người trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Hợp đồng này sẽ được ký kết 3 bên bao gồm người trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM.
Sau thời hạn trên, nếu bên trúng đấu giá không thực hiện ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì coi như đã từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt trước cho lô đất đấu giá (20% trên giá khởi điểm).
Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán cho ngân sách nhà nước 50% số tiền mua tài sản theo thông báo của cơ quan thuế. 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại.
Chiếu theo giá khởi điểm 4 lô đất nói trên, số tiền các doanh nghiệp đã nộp trước lần lượt: Công ty Cổ phần Dream Republic (115,6 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sheen Mega (203,8 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Bình Minh (145,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (588,4 tỷ đồng).
Theo quy định, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp đủ tiền trúng đấu giá 37.346 tỷ đồng sau khoảng 100 ngày, tức vào giữa tháng 3/2022. Trong trường hợp quá thời hạn thanh toán mà bên trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản sẽ bị thu tiền nộp chậm theo quy định về quản lý thuế.
Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền mua tài sản thì vi phạm hợp đồng mua bán.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM sau đó sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để các cơ quan liên quan trình UBND TP. HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước và số tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Sau khi các doanh ngiệp trúng đấu giá hoàn tất các nghĩa vụ tài chính theo quy định, cơ quan chức năng TP sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất trong hạn không quá 5 ngày làm việc sau khi cấp giấy.
Với việc lập kỷ lục đất giá đất tại khu đất 3-12 với giá 24.500 tỷ đồng, thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải nộp 50% số tiền trúng đấu giá, tương đương 12.250 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước sau 30 ngày (tức khoảng ngày 10/1/2022).
Trước khi thắng đấu giá lô đất Thủ Thiêm với giá khủng hơn 1 tỷ USD, vào năm 2016, Tân Hoàng Minh cũng từng lập kỷ lục khi trúng đấu giá lô đất tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP. HCM).
Như VietnamFinance đã đề cập trước đó, khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM trước đây là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết TP. HCM. Với vị trí trung tâm, hai mặt tiền (Lê Duẩn và Nguyễn Du), lại cực kỳ vuông vắn (55 x 55 m) và được quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ với chiều cao tối đa 100 mét, khi được thành phố đem ra đấu giá, khu đất đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Tổng cộng đã có 14 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đã tham gia đấu giá khu đất với giá khởi điểm 558 tỷ đồng. Sau 16 phiên đấu giá căng thẳng, tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chiến thắng với mức giá 1.430 tỷ đồng - cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Ngày 7/8/2015, UBND TP. HCM đã ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Số tiền "đặt cọc" đấu giá hơn 83 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.
Thế nhưng ngay sau khi UBND TP. HCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Do vậy, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu để giải quyết, cụ thể là xem xét hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.
Trong thời gian này, Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam lại đề xuất thành phố bổ sung khu đất này vào danh sách các khu đất hoán đổi cho hợp đồng BT của một dự án chống ngập.
Bất ngờ, trong tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP. HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn. Theo quy định, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà đơn vị trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản thì phải nộp phạt hoặc có thể bị hủy kết quả và mất tiền đặt cọc.
Với việc muốn tiếp tục mua đất vàng 23 Lê Duẩn thì ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh đã phải đóng thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt trễ hạn. Đến ngày 23/5/2017, Trung tâm bán đấu giá tài sản TP. HCM tiến hành bàn giao khu đất cho Tân Hoàng Minh.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh được thành lập vào năm 1993. Ông Đỗ Anh Dũng - người đồng sáng lập và góp tới 97,2% vốn - hiện vẫn là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc tập đoàn.
Tân Hoàng Minh là đơn vị có tiếng trong thị trường bất động sản sang trọng, cao cấp. Thành lập từ năm 1993, đến nay, Tân Hoàng Minh đã nắm trong tay nhiều dự án bất động sản nổi bật như D' Le Pont D'or (308 căn tại 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa), D' Le Roi Soleil (498 căn tại 59 Xuân Diệu, quận Tây Hồ), D' Capitale (3.000 căn tại Đống Đa), D' Palais de Louis (242 căn tại Cầu Giấy), D’. El Dorado I (448 căn tại 659A Lạc Long Quân, quận Tây Hồ)... Mới đây, Tân Hoàng Minh cũng đầu tư hơn 1 tỷ USD vào “Tổ hợp quần thể du lịch không ngủ” với quy mô 34ha tại bờ biển Bãi Trường - Phú Quốc.
Bên cạnh bất động sản, Tân Hoàng Minh còn tham gia vào lĩnh vực quản lý vận hành tòa nhà với Công ty Cổ phần Quản lý Bất động sản ALG. Đây là đơn vị quản lý khai thác và vận hành các dự án bất động sản; các văn phòng và khách sạn khác trong tương lai của tập đoàn.
Doanh nghiệp cũng sản xuất nội thất với công ty con là Công ty Cổ phần Tân Hoàng Minh Hải Dương chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp này có nhà máy tại Hải Phòng, đặt mục tiêu sản xuất tủ bếp, gỗ ván sàn, cửa, gỗ xuất khẩu… với công suất phục vụ cho khoảng 10.000 căn hộ/năm.
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.