Trung Quốc cam kết cùng WEF phản đối chủ nghĩa bảo hộ

Minh Đăng - 13/09/2018 11:08 (GMT+7)

(VNF) - Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho biết với sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, bức tranh kinh tế thế giới vẫn phức tạp dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã phục hồi.

VNF
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa.

Tại cuộc gặp với ông Klaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), ông Hồ Xuân Hoa khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng với WEF kịch liệt phản đối chủ nghĩa bảo hộ, và bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế và hệ thống thương mại đa phương.

Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên để làm cho cuộc cách mạng công nghiệp mới đem lại lợi ích cho tất cả các nước và mọi người dân, đồng thời cải thiện sự quản lý toàn cầu để đạt phát triển và thịnh vượng chung.

Về phần mình, ông Schwab cho biết WEF ủng hộ thúc đẩy toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, và phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương.

WEF sẵn sàng tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc, cùng nhau góp phần vào sự phục hồi bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới.

Mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung không ngừng gia tăng trong nửa đầu năm 2018.

Tuyên bố của Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang ở trong trạng thái căng thẳng hơn bao giờ hết.

Mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung không ngừng gia tăng trong nửa đầu năm 2018.  Mỹ đưa ra yêu cầu Trung Quốc bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của Mỹ, giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường của Trung Quốc và hạn chế các chương trình trợ cấp công nghiệp công nghệ cao tuy nhiên Trung Quốc không đáp ứng được những yêu cầu này.

Từ ngày 6/7/2018, Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hoá nhập từ Trung Quốc, tập trung vào các mặt hàng động cơ, máy xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông. Tuy nhiên, 16 tỷ USD hàng hoá khác có thể bị đánh thuế sau 2 tuần nữa.

Không chỉ vậy, giá trị đánh thuế bổ sung có thể lên đến 200 tỷ USD, thậm chí theo tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là có thể lên đến 500 tỷ USD - tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017.

Trung Quốc lên án chính sách đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ, cho rằng chủ nghĩa bảo hộ không thể bảo vệ các nước chấp nhận cơ chế này và chính sách đơn phương sẽ gây tổn hại cho lợi ích của tất cả các nước trong thế giới ngày nay, nơi mà mọi quốc gia đều phụ thuộc vào một số phận chung.

Xem thêm >> Thủ tướng đề xuất hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN

Cùng chuyên mục
Tin khác