Trung Quốc mất 36% số tỷ phú khi kinh tế suy thoái

Bích Hợp - 30/10/2024 10:12 (GMT+7)

(VNF) - Theo "danh sách người giàu" do nhóm nghiên cứu Hurun biên soạn, số lượng tỷ phú USD của Trung Quốc đã giảm hơn 1/3 trong ba năm qua do chính quyền siết kiểm soát, sự suy yếu ở một số bộ phận của nền kinh tế và thị trường chứng khoán lao dốc.

Kể từ khi đạt đỉnh 1.185 tỷ phú vào năm 2021, Hurun cho biết số lượng tỷ phú USD của Trung Quốc đã giảm xuống còn 753, ghi nhận mức giảm 36%. Con số này vượt quá mức giảm 10% giá trị đồng Nhân dân tệ so với đồng USD trong cùng kỳ.

Chỉ tính riêng trong năm qua, số lượng tỷ phú USD ở Trung Quốc đã giảm 16%, khi đồng Nhân dân tệ chỉ mất giá 2,5% so với đồng USD.

Danh sách 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc của Hurun Research Institue.

Hurun cho biết danh sách này cũng đã ghi nhận cự chuyển biến mạnh mẽ khi những doanh nhân lớn tuổi hơn như các nhà phát triển bất động sản nhường chỗ cho những thành viên mới hơn như Zhang Yiming, người đứng đầu ByteDance. Tỷ phú Zhang Yiming đã được vinh danh là người giàu nhất Trung Quốc trong danh sách năm nay, tăng từ vị trí thứ tư vào năm ngoái.

Hurun cho biết, nhà sáng lập 41 tuổi của công ty sở hữu nền tảng video ngắn TikTok và ứng dụng tương tự của Trung Quốc là Douyin đã lần đầu tiên trở thành người giàu nhất quốc gia này với khối tài sản trị giá 49 tỷ USD, mặc dù công ty của ông đang bị chính phủ Mỹ nhắm tới.

Ông Zhang đã hạ bệ “vua nước đóng chai” Zhong Shanshan. Người đàn ông 70 tuổi này đã đứng đầu danh sách trong ba năm qua, nhưng doanh nghiệp chính của ông là Nongfu Spring đã chứng kiến ​​giá cổ phiếu giảm 40% sau khi bị cáo buộc trên mạng xã hội là “sùng bái Nhật Bản” .

Ông chủ ByteDance Zhang Yiming đã được vinh danh là người giàu nhất Trung Quốc.

Danh sách người giàu cũng bao gồm các doanh nhân Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.

Ông Rupert Hoogewerf, chủ tịch Báo cáo Hurun, cho biết: "Danh sách đã thu hẹp trong năm thứ ba liên tiếp vì nền kinh tế và thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một năm khó khăn".

Danh sách này ước tính tài sản của những người giàu có vào cuối tháng 8 và không tính đến đợt tăng giá cổ phiếu mạnh vào tháng 9 sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích tiền tệ.

Sự suy giảm về số lượng người siêu giàu xảy ra khi nhóm các nhà phát triển bất động sản giàu có bị suy yếu do sự sụp đổ của thị trường bất động sản từng bùng nổ của Trung Quốc.

Các tỷ phú thương mại điện tử của Trung Quốc dù bị siết kiểm soát nhưng lại chứng minh được khả năng phục hồi tốt hơn. Tỷ phú Pony Ma, nhà sáng lập Tencent (công ty đứng sau siêu ứng dụng WeChat phổ biến) đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách tỷ phú năm nay của Hurun. Ông Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo và Temu, đứng thứ tư.

Tỷ phú Jack Ma của Alibaba, người đứng đầu danh sách vào năm 2020, đã tụt xuống vị trí thứ 10 trong năm nay.

Ông Chris Xu Yangtian, nhà sáng lập nền tảng thời trang quốc tế Shein, được xếp hạng ở vị trí 76 với khối tài sản 7 tỷ USD.

Báo cáo của Hurun cho biết: "Thế hệ doanh nhân mới ở Trung Quốc có tính quốc tế hơn nhiều so với thế hệ trước".

Có tới 15% số tỷ phú trong danh sách sống bên ngoài Trung Quốc đại lục, ở Hồng Kông, Ma Cao hoặc Đài Loan, trong khi 30 tỷ phú sống ở Mỹ và Singapore. Các thành phố-quốc gia châu Á này ngày càng trở nên phổ biến như một thiên đường ở nước ngoài cho các tỷ phú Trung Quốc.

Số lượng tỷ phú USD Trung Quốc suy giảm trong 3 năm trở lại đây.

Những người giàu có này cũng duy trì ảnh hưởng chính trị, với khoảng 7% là thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, hoặc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc.

Các doanh nhân trong lĩnh vực điện thoại thông minh và năng lượng mới cũng nằm ở nổi bật hơn trong danh sách so với 10 năm trước, bao gồm tỷ phú Robin Zeng, người đứng đầu nhà sản xuất pin lithium CATL, Li Zhenguo - ông chủ hãng sản xuất tấm pin mặt trời Longi, Lei Jun - ông chủ hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và Frank Wang - ông chủ hãng sản xuất máy bay không người lái DJI.

Mục tiêu tăng trưởng 5% hằng năm của Bắc Kinh đã không đạt được trong cả ba quý vừa qua và trong khi các biện pháp kích thích lớn vào tháng 9 đã thúc đẩy thị trường, thì sự tăng trưởng này chỉ là tạm thời.

Theo dữ liệu được công bố hồi tuần trước, trong quí III vừa qua tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 4,6%, cao hơn so với dự kiến, song vẫn giảm so với mức 4,7% của quí II và là mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi. Tính chung trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, mức tăng trưởng kinh tế là 4,8%.

Theo các chuyên gia, niềm tin của người tiêu dùng thấp và thị trường bất động sản suy yếu vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Dù vậy, giới chức nước này vẫn tự tin nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng quanh 5% trong năm 2024. Họ dự kiến giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thêm một lần nữa vào cuối năm nay.

Trong một báo cáo cập nhật công bố ngày 8/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,3% trong năm tới, một sự giảm tốc từ mức dự báo tăng 4,8% cho năm 2024.

Theo Financial Times
Trung Quốc củng cố vị thế thống trị thị trường kim loại quý

Trung Quốc củng cố vị thế thống trị thị trường kim loại quý

Tài chính quốc tế
(VNF) - Quyền kiểm soát chặt chẽ mà Trung Quốc nắm giữ đối với hoạt động khai thác và tinh chế khoáng sản quý hiếm, thành phần quan trọng của các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, sắp trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Cùng chuyên mục
Tin khác