'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Những ngày qua, thông tin giá nước sông Đuống tạm tính 10.246 đồng/m3, trong đó 20% là chi phí lãi vay, đã gây xôn xao dư luận.
Cho đến hiện tại, những thông tin về hồ sơ dự án vẫn chưa được công bố. Động thái đáng kể nhất mới chỉ là việc UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo chia sẻ một số thông tin cơ bản về dự án và “trấn an” dư luận rằng chính quyền không bao giờ bù giá cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự án nước sông Đuống đã cho thấy những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến quản lý nhà nước về nước sạch cũng như chủ trương mời gọi tư nhân tham gia cung cấp các tiện ích công.
Để rõ hơn các vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu về quản trị & chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Có ý kiến cho rằng nếu tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất nước sạch từ nguồn sông Đuống thì người dân phải chấp nhận mức giá 10.246 đồng/m3, ông nghĩ sao?
TS Nguyễn Văn Đáng: Trước hết phải thống nhất rằng nước sạch không phải là một hàng hóa thông thường. Đây là loại tiện ích công mang tính chất độc quyền tự nhiên. Vì tính chất độc quyền nên người dân không thể tự do lựa chọn người bán như những hàng hóa khác.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với trường hợp nhà nước đứng ra sản xuất, phân phối nước sạch, bởi vì nhà nước hành động dựa trên lợi ích của người dân, nhà nước không tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí nhà nước còn phải bù lỗ (nếu cần).
Nhưng nhà máy nước sông Đuống lại là dự án của doanh nghiệp tư nhân. Giá nước bao gồm cả lợi nhuận của nhà đầu tư cho nên không dễ người dân chấp nhận nếu mức giá quá cao.
- Những điểm mới về quản lý việc cung cấp nước sạch ở đây là gì?
Chúng ta thấy mối quan hệ giữa ba chủ thể: nhà sản xuất tư nhân (Công ty Sông Đuống), chính quyền (các công ty phân phối nước sạch của Hà Nội), và người tiêu dùng. Hành vi của các chủ thể dựa trên các cam kết trong hợp đồng mua bán nước. Và vì là quan hệ hợp đồng nên các chủ thể bình đẳng với nhau. Do lợi ích đa dạng, nhà nước không thể dễ dàng quy định mức giá như khi tự đứng ra sản xuất nước sạch.
Thách thức của chính quyền là phải xác định được mức giá qua đó giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân mua nước. Nếu nghiêng về nhà đầu tư, chính quyền và người dân có thể trở thành “con tin” của họ, bởi các cam kết hợp đồng. Ngược lại, nếu chỉ nghiêng về lợi ích của người dân, chính quyền sẽ không tìm được nhà đầu tư nào dám hợp tác để cung cấp tiện ích công.
Đã là quan hệ dựa trên hợp đồng thì cần những cam kết dựa trên sự đồng thuận giữa các bên, nếu không mối quan hệ giữa họ sẽ đứng trước nguy cơ đổ bể. Nếu quan hệ đổ bể và chính quyền không thể tìm được nguồn cung thay thế, chức năng của chính quyền là đảm bảo cung cấp các tiện ích công sẽ thất bại.
- Khi thành phố Hà Nội chấp nhận mức giá tạm tính cho Công ty Sông Đuống cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ, hẳn họ đã nhìn thấy nguy cơ các mối quan hệ đổ bể. Tuy nhiên, thành phố vẫn triển khai. Ông có bình luận gì về điều này?
Với trường hợp dự án nước sông Đuống, rất khó để lý giải thấu đáo và thuyết phục vì sao thành phố Hà Nội lại chấp nhận mức giá 10.246 đồng/m3, vì hiện nay chúng ta thiếu thông tin. Nhưng một quyết định chính sách bao giờ cũng chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan.
Giả dụ đứng ở khía cạnh tích cực, Hà Nội nói rằng mức giá đó đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, vì họ đã xây dựng một nhà máy nước sạch hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, người dân sẽ phản đối điều này. Lập luận của người dân sẽ là: nước sạch là tiện ích công thiết yếu và chính quyền có trách nhiệm cung cấp với mức giá thấp nhất có thể.
Lập luận của người dân là có cơ sở vững chắc, bởi chính quyền không thể thực hiện nhiệm vụ của mình chỉ bằng cách thỏa mãn lợi ích của nhà đầu tư. Trong mọi tình huống, lợi ích của số đông người dân luôn là cơ sở cho hành động của chính quyền. Khi buộc phải lựa chọn, chính quyền vẫn phải quyết định bảo vệ lợi ích công – tức là lợi ích của số đông dân chúng. Đó là nguyên lý của bất cứ chính quyền nào.
Còn nếu chính quyền chỉ đề cao lợi ích của nhà đầu tư mà coi nhẹ phản ứng từ dân chúng thì có nghĩa là họ đang tự đặt mình trước áp lực từ những người phải đóng thuế để chính quyền có thể hoạt động.
- Một giả thuyết cho việc chính quyền Hà Nội chấp nhận mức giá cao là nhu cầu nước sạch đang trở nên rất cấp bách. Vậy lý do này có thuyết phục không?
Trong trường hợp nhu cầu nước trở nên cấp bách, chính quyền phải đi tìm nguồn nước cho người dân và phải chấp nhận mức giá cao thì đương nhiên người dân cũng sẽ buộc phải chấp nhận.
Chỉ có điều, ở trường hợp dự án nước sông Đuống, hệ quả là sẽ có lộn xộn. Người dân sẽ so sánh giá nước giữa các khu vực trong cùng thành phố. Tại sao cùng một thành phố mà cư dân hai vùng đông – tây lại phải chịu hai giá nước khác nhau? Đó là sự bất bình đẳng về giá đối với một tiện ích công.
Về nguyên tắc, người dân ở bất kỳ địa phương nào, được quản lý bởi cùng một chính quyền cụ thể, cũng phải được thụ hưởng mức giá tiện ích công như nhau.
- Trong trường hợp này, để giải quyết, có ít nhất 2 phương án: hoặc chính quyền thành phố Hà Nội trợ giá để giảm giá nước sông Đuống, hoặc thành phố nâng biểu giá nước lên để cân bằng giá nước giữa hai khu vực. Ông thấy các phương án này có khả thi không?
Trợ giá thì như thành phố đã khẳng định là không bù rồi. Còn nếu nâng biểu giá nước thì chính quyền Hà Nội sẽ phải đối diện với sự bất bình của người dân cả thành phố, chứ không chỉ khu vực chịu ảnh hưởng.
Ở góc độ kinh tế học, người ta có thể tranh cãi về việc nước sạch có phải là hàng hóa công hay chỉ là hàng hóa bán công. Tuy nhiên, dưới góc độ quản trị công, thì điều đó không quan trọng. Quan trọng hơn, nhu cầu nước sạch là một lợi ích công mà tự cá nhân mỗi người dân không thể giải quyết được. Bởi vậy, họ cần đến chính quyền. Cũng vì thế, các tiện ích công luôn chứa đựng sự gửi gắm lòng tin chính trị của người dân đối với chính quyền.
Người dân nói chung luôn tin rằng nước sạch là nhu cầu thiết yếu và chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm cho họ. Nếu chính quyền chỉ dựa vào các nguyên tắc thị trường để cung cấp nước sạch thì sẽ bị đặt dấu hỏi về khả năng và trách nhiệm chính trị của mình. Nhiều thứ lộn xộn sẽ phát sinh từ đây.
- Ông có gợi ý nào cho thành phố Hà Nội không?
Tôi cho rằng chính quyền thành phố nên thương lượng với Công ty Sông Đuống để tìm ra mức giá mà người dân có thể chấp nhận. Đây là phương án an toàn hơn so với hai phương án trên. Đặc biệt là nếu tăng biểu giá nước nhằm mục đích cân bằng giá hai khu vực thì nguy cơ bị phản ứng là rất lớn.
Cần lưu ý rằng, bối cảnh của Việt Nam đặc biệt đề cao vai trò của nhà nước. Chính quyền đã luôn nhấn mạnh tới vai trò chủ đạo của nhà nước, điều đó đã in hằn lên nhận thức của người dân, do vậy nếu lựa chọn các quyết định chính sách thuần túy thị trường đối với hàng hóa/tiện ích công thì sẽ dễ phải đối diện với nhiều hệ lụy.
- Nước sạch sông Đuống có thể xem như một điển hình cho những vấn đề mới khi mời gọi tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa công. Ông bình luận gì về những vấn đề này?
Xu hướng tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ và hàng hóa công xuất hiện ở Âu – Mỹ vào những năm 1980 và sau đó trở thành một trào lưu ở nhiều quốc gia. Những năm qua, xu hướng này trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy những bất ổn về nhiều phương diện.
Đầu tiên là những hạn chế về thể chế - đó là những nguyên tắc, quy định của chính quyền trong việc ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân để cung cấp dịch vụ/hàng hóa công. Trường hợp nhà máy nước sông Đuống cho thấy chưa có sự đồng thuận về giá nước giữa các bên liên quan trong mối quan hệ hợp đồng này, thậm chí nguy cơ đổ bể hợp đồng là hiện hữu.
Dự án nước Sông Đuống cũng cho thấy sự thay đổi về vai trò của chính quyền trong quản lý xã hội nói chung, cung cấp hàng hóa công nói riêng. Lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho hành động của chính quyền. Thay vào đó, các quyết định chính sách sẽ bị chi phối bởi các lợi ích đa dạng (chính quyền – nhà đầu tư – người dân).
- Vậy, thách thức lớn nhất với chính quyền là gì khi mời gọi tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa công?
Mối quan tâm đến giá nước Sông Đuống hiện nay cho thấy không nên quy giản việc cung cấp hàng hóa công về mối quan hệ doanh nghiệp - khách hàng. Đánh giá chất lượng quản trị công không nên chỉ dựa vào các tiêu chí hiệu quả, hiệu lực hay khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Khác với các loại hàng hóa khác, nhà nước cần nhận thức rằng bảo đảm các tiện ích công, cung cấp hàng hóa công chính là một phương tiện có thể giúp gia tăng lòng tin của dân chúng vào chính quyền nhà nước.
Vì thế, thách thức lớn nhất của nhà nước không phải là giám sát để bảo đảm chất lượng nước sạch hay bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Thay vào đó, thách thức lớn nhất của nhà nước là phải tạo ra một quy trình thể chế chính thức, qua đó các cam kết giữa các bên liên quan có thể thực thi.
Bởi có một thực tế gần đây ở Việt Nam là rất nhiều các thỏa thuận (dưới dạng hợp đồng) giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân luôn đứng trước mối đe dọa không thể thực thi. Nếu tình trạng này tái diễn và kéo dài thì thiệt hại lớn nhất là lòng tin chính trị, chứ không phải các lợi ích kinh tế!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.