Từ vụ khởi tố bà Nguyễn Thị Loan: Nhìn lại màn trình diễn trong 13 năm của Vimedimex

Ái Châu Tử - 11/11/2021 11:03 (GMT+7)

(VNF) – Trưởng thành từ BIDV rồi trở thành chủ tịch của một công ty chứng khoán, lại thông qua công ty chứng khoán để nhảy vào ngành y dược phẩm và xây dựng nên một đế chế, đó là hành trình kinh doanh trong 13 năm qua của bà Nguyễn Thị Loan – chủ tịch Vimedimex.

VNF
‘Soi’ đế chế y dược Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan

Những bước đường kinh doanh

Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970, quê quán tại Đà Bắc, Hòa Bình, được biết tới rộng rãi trên thị trường là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD).

Khởi đầu của bà Loan là vị trí kế toán của Công ty Thịnh Phát. Tuy nhiên, bà Loan đã nhanh chóng rời khỏi đó để gia nhập BIDV – nơi bà có hơn 10 năm làm việc với cương vị cao nhất đạt được là trưởng phòng Quản lý rủi ro.

Kinh nghiệm ở BIDV là tiền đề để năm 2008, bà Loan đứng ra khởi nghiệp với Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình, giữ chức chủ tịch HĐQT. Thông qua Chứng khoán Hòa Bình, bà Loan thâm nhập vào HĐQT Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (dưới thời chủ tịch Nguyễn Tiến Hùng) và tư vấn đưa doanh nghiệp này lên sàn vào năm 2010.

VMD vốn là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng trải qua nhiều lần tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà nước hiện chỉ còn 10,23% (nắm giữ thông qua Tổng công ty Dược Việt Nam). Còn bà Loan, “phản khách vi chủ”, từ một cổ đông chiến lược (thông qua Chứng khoán Hòa Bình) đã ngồi lên vị trí lãnh đạo cao nhất của công ty này. Con trai bà Loan là Lê Xuân Tùng cũng được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc.

Vimedimex (VMD): Gã khổng lồ sống nhờ nợ

VMD có thể xem là một “đại gia” trong ngành dược phẩm Việt Nam. Trong suốt 13 năm qua (2007 – 2019) công ty này đã duy trì được thành tích đáng nể là doanh thu liên tục tăng trưởng (ngoại trừ năm 2020 có chững lại đôi chút). Xét 5 năm gần nhất (2015 – 2020), có thể thấy doanh thu của VMD đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, cán mốc 18.142 tỷ đồng (năm 2020).

Lợi nhuận trước thuế của VMD cũng liên tục tăng trưởng trong cùng giai đoạn nêu trên, tuy nhiên khá mỏng và chậm. Trong 5 năm trở lại đây (2015 – 2020), lợi nhuận trước thuế chỉ tăng từ 40,7 tỷ đồng lên 50,5 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 2 tỷ đồng.

Nguyên do cơ bản khiến VMD không đạt được lãi cao là do chi phí bán hàng và chi phí tài chính rất lớn. Lấy năm 2020 làm trường hợp xem xét cụ thể, với doanh thu thuần 18.142 tỷ đồng, VMD có lãi gộp 1.504 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng chi phí bán hàng đã lên tới 1.227 tỷ đồng còn chi phí tài chính là 188 tỷ đồng (chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá trong việc nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế). Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn hơn 41 tỷ đồng. Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác (9,7 tỷ đồng), VMD mới tránh khỏi cảnh lợi nhuận giật lùi so với năm 2019.

Về tài sản, trong 3 năm qua, tổng tài sản của VMD suy giảm hơn 1.400 tỷ đồng, còn 8.036 tỷ đồng (thời điểm hết năm 2020) chủ yếu do giảm hàng tồn kho.

Tồn kho của VMD dù giảm, song vẫn duy trì ở con số rất lớn, 3.877 tỷ đồng, chiếm 48% tổng tài sản (thời điểm hết năm 2020), chủ yếu là thuốc tân dược cất tại kho VSIP Bình Dương.

Một điểm đáng chú ý khác trong cơ cấu tài sản của VMD là các khoản phải thu ngắn hạn. Tại ngày kết thúc năm 2020, khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.585 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản, cao nhất kể từ năm 2018.

Như vậy, hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 92% tổng tài sản của VMD.

Về nguồn vốn, VMD gây kinh ngạc khi nợ phải trả bằng 95,6% tổng tài sản (thời điểm hết năm 2020). Điều này có nghĩa là hầu hết tài sản của VMD được hình thành từ các khoản vay, nợ.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của VMD do đó cũng thuộc loại cao nhất thị trường, đạt tới 22 lần (năm 2020). Dù vậy, so với các năm trước, hệ số này đã được “cải thiện” một cách… đáng kể. Trước đó, hệ số này đạt tới 26,7 lần (2017), 27,5 lần (2018) và 25,5 lần (2019)!

Đế chế dược phẩm của bà Nguyễn Thị Loan còn rộng tới mức nào?

Ngoài VMD, bà Nguyễn Thị Loan cũng được biết tới là chủ tịch của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2 – cổ đông tổ chức lớn nhất tại VMD với tỷ lệ sở hữu 45,34%.

Vimedimex 2 được thành lập tháng 3/2014, trụ sở tại xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất hóa dược và dược liệu.

Vốn điều lệ của công ty là 1.500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm có: Công ty Cổ phần BV Pharma (đại diện góp vốn là ông Nguyễn Quốc Cường, cựu CEO VMD – con trai ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó chủ tịch HĐQT VMD), VMD (đại diện là bà Nguyễn Thị Loan) và ông Lê Mạnh Hùng.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Vimedimex 2 biến động rất mạnh. Cụ thể, nếu năm 2016, công ty chỉ có doanh thu 3,9 triệu đồng thì năm 2017 đã tăng lên 2,6 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tiếp tục vọt lên 24,7 tỷ đồng nhưng sang năm 2019 lại đột ngột lao dốc xuống chỉ còn 3,9 tỷ đồng

Lãi sau thuế của công ty trong cùng giai đoạn cũng vì vậy mà trồi sụt rất mạnh, lần lượt là: 0 đồng, 254 triệu đồng, 13 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng.

Về tài sản, tổng tài sản của Vimedimex 2 có sự gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn 2016 – 2019, từ 451 tỷ đồng lên 1.937,7 tỷ đồng, tức tăng gấp 4 lần.

Tài trợ chính cho sự tăng trưởng này là vốn chủ sở hữu. Trong 4 năm (2016 – 2019), vốn chủ sở hữu của Vimedimex 2 đã tăng một mạch từ 400 tỷ đồng lên 1.519 tỷ đồng, tức tăng gấp 3,8 lần.

Nợ phải trả của Vimedimex 2 cũng có tốc độ tăng đáng kể trong cùng giai đoạn nói trên, từ 51 tỷ đồng lên 418,5 tỷ đồng, tức tăng gấp 8,2 lần.

Ngoài Vimedimex 2, đế chế của bà Nguyễn Thị Loan còn ghi nhận một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Dược phẩm Y tế Vime Sait Paul. Doanh nghiệp này thành lập tháng 3/2018, trụ sở tại tòa nhà Vimedimex Group, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Loan.

Danh sách cổ đông cá nhân của công ty này ghi nhận 3 cái tên: Nguyễn Đình Hùng (10%), Nguyễn Quốc Cường (10%), Nguyễn Đình Hưng (20%).

Tại thời điểm cuối năm 2018, công ty này có tổng tài sản 16,1 triệu đồng, nợ phải trả 35,4 triệu đồng, đồng nghĩa công ty âm vốn chủ sở hữu 19,3 triệu đồng...

Cùng chuyên mục
Tin khác