Ưu tiên 'số hoá' giao thông công cộng Hà Nội

Trí Anh - 17/09/2018 10:39 (GMT+7)

(VNF) - Hà Nội đã mở rộng hơn 10 năm với diện tích tăng gấp 3 lần so với trước, tuy nhiên, quỹ đất dành cho giao thông quá ít. Trong khi đó, lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh, các tuyến tàu điện ngầm sau 10 năm triển khai vẫn chưa về đích. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh là vấn đề rất nan giải.

VNF
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được rất nhiều người dân Thủ đô chờ đón

Áp lực từ phương tiện cá nhân

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Trong những năm qua, giao thông Việt Nam có bước phát triển đáng ghi nhận với 230.000km đường quốc lộ, gần 1.000 km cao tốc. Cùng đó, hệ thống hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thuỷ nội địa phát triển mạnh mẽ giúp kết nối logistic đa phương thức bắt đầu hình thành.

Đối với các thành phố lớn, Bộ GTVT cũng đặc biệt quan tâm tới đầu tư hạ tầng, nâng quỹ đất cho giao thông và đặc biệt là phát triển hệ thống xe buýt. Hiện đã hệ thống xe buýt đã có tại 60/63 tỉnh thành. Đặc biệt tại Hà Nội lần đầu tiên đã đưa tuyến buýt nhanh BRT vận hành đã phát huy hiệu quả đáng kể.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lo lắng về sự gia tăng nhanh các phương tiện cá nhân với mức độ tăng trưởng khoảng 10 - 12%/năm. Năm 2017 cả nước có khoảng 3,7 triệu xe ô tô và 55 triệu xe mô tô. Trong đó, Tp. HCM có 8 triệu xe (khoảng 675 nghìn xe ô tô, trên 7,4 triệu xe mô tô). Còn tại Hà Nội, có trên gần 6 triệu phương tiện (khoảng 550 nghìn xe ô tô và trên 5 triệu xe mô tô).

Trái ngược với sự gia tăng của phương tiện cá nhân thì quỹ đất dành cho giao thông ngày càng thiếu, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố cho thấy những quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ phương tiện không hiệu quả.

“Bên cạnh đó, do phương tiện cá nhân tăng cũng làm nảy sinh thêm các điểm ùn tắc mới, UPND Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng song còn thiếu sự ổn định lâu dài. Đặc biệt, vấn đề ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành còn nhiều bất cập, công nghệ kết nối trong vận tải còn thiếu và yếu”, ông Thọ đánh giá.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, thừa nhận, trong 10 năm qua, từ khi được mở rộng, dân số Tp. Hà Nội đã tăng từ 6,5 triệu dân lên 7,5 triệu dân. Trong khi đó, quỹ đất cho giao thông Hà Nội vẫn không tăng đáng kể, rõ ràng, điều này đã tạo áp lực lớn cho giao thông thành phố.

“Hiện bãi xe thông minh eparking đã và được được Hà Nội thí điểm, nhân rộng tại 146 điểm trong thành phố, bước đầu ghi nhận những thành công từ việc “số hoá” để quản lý quỹ đất dành cho giao thông. Tới đây, Hà Nội sẽ khuyến khích đẩy mạnh các bãi xe tư nhân thông minh, số hoá bãi xe tại các nhà cao tầng... giúp giảm áp lực giao thông tĩnh Thủ đô”, ông Toản nói

Chờ đột phá từ các tuyến metro

Tuy nhiên, theo ông Pereric Hogberg, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, Giống như nhiều nước Châu Á, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Tính đến năm 2017, khoảng 40% trong tổng số 90 triệu dân Việt Nam đang sống tại các đô thị. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025.

“Với định hướng của Chính phủ phát triển đô thị hoá bền vững, giao thông công cộng (GTCC) đã trở thành nhân tố chính trong hành trình phát triển đô thị thông minh. Trong chiến lược phát triển GTCC 2020, định hướng 2030, Việt Nam định hướng kiềm chế tốc độ tăng trưởng xe cá nhân, nâng cao chất lượng giao thông đô thị. Vì thế việc tăng cường kết nối các tuyến Metro, xây dựng các bãi đỗ xe thông minh cho Hà Nội là mục tiêu sống còn”, ông Hogberg cho biết.

Còn theo ông Norio Saito, Phó giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Hiện tại ngoài việc hỗ trợ vốn cho các tuyến đường sắt đô thị tại Tp. HCM, ADB đang hỗ trợ tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội).

Và để các tuyến Metro hoạt động hiệu quả, ADB sẽ hỗ trợ Hà Nội đẩy mạnh giao thông kết nối cho các Metro vận hành hiệu quả tới đây, đó là nâng cao kết nối giữa Metro, xe buýt, taxi và ccs loại phương tiện công cộng khác. ADB cam kết sẽ hỗ trợ và đưa Việt Nam thành nước nhận nhiều đầu nhất từ ADB để phát triển giao thông nội đô.

Để biến Hà Nội trở thành thành phố thông minh, ông Nguyễn Doãn Toản khẳng định: “Hà Nội cam kết tới đây sẽ ưu tiên vốn hàng đầu để phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể, đẩy mạnh hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển 8 tuyến đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh 4.0 để quy hoạch quản lý các tuyến xe buýt, vé điện tử, điều này rất hữu dụng hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh trong tương lai”.

Cùng chuyên mục
Tin khác