Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị 'không quy định thời hạn chung cư'

Tuệ Lâm - 18/03/2023 00:00 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định sở hữu nhà chung cư có thời hạn là vấn đề quan trọng, nhạy cảm. Việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản, gây tâm lý bất an cho các chủ sở hữu nhà chung cư.

VNF
Sở hữu nhà chung cư có thời hạn là vấn đề nhạy cảm. (Ảnh: Tuệ Lâm)

Trong chương trình phiên họp thứ 21, ngày 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó tập trung thảo luận về việc Chính phủ đề xuất bổ sung quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá chính sách về sở hữu nhà chung cư có thời hạn chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.

Hơn nữa, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, có thể dẫn đến xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn. 

Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định là vấn đề thời gian qua được dư luận và các cơ quan quan tâm, có tác động lớn, nhất là tại các địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Do đó, ông Cường cho rằng cần có đánh giá kĩ lưỡng.

"Trên thực tế, việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư có thể không có quá nhiều ảnh hưởng các địa phương khác, nhưng tại một số thành phố lớn trực thuộc Trung ương lại tác động rất lớn bởi quỹ đất hạn chế, số lượng nhà ở chung cư nhiều, trong mỗi tòa nhà là hàng trăm hộ gia đình, đối tượng chịu tác động bởi chính sách này là quá lớn" Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Một số ý kiến tại phiên thảo luận cũng cho rằng nhà ở chung cư là tài sản lớn, sở hữu lâu dài, gắn liền với đất mà người mua được sở hữu và quyền sở hữu nhà ở được Nhà nước ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Do đó, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản về nhà chung cư của người dân, gây tâm lý bất an cho các chủ sở hữu nhà chung cư trong xã hội. 

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn là vấn đề quan trọng, nhạy cảm.

"Qua thảo luận, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đề nghị phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư và cũng thống nhất với báo cáo thẩm tra là đề nghị không quy định thời hạn chung cư", ông Định nói.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần có quy định cụ thể về việc nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng. 

Bên cạnh đó, cần quy định về các trường hợp cụ thể, về trình tự, thủ tục, các phương án tiến hành, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan để cải tạo nhà chung cư không còn an toàn.

Theo quy định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Chính phủ có quyền trình Quốc hội phương án của Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ trình phương án như đã thảo luận và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Trường hợp, Chính phủ có phương án riêng thì đề nghị Chính phủ trình 2 phương án và làm rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa ra phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo giải thích của Chính phủ, luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.

“Cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư”, tờ trình Chính phủ nêu.

Cũng theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ và được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5.

Cùng chuyên mục
Tin khác