Bất động sản

'Vua hầm' Đèo Cả nhắm 15 dự án lớn, có cao tốc Bắc - Nam và vành đai 4 Hà Nội

(VNF) - Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết doanh nghiệp này đang triển khai nghiên cứu 15 các dự án lớn ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó có các dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án vành đai 4, 5 - vùng Thủ đô và các dự án vành đai 3, 4 TP. HCM.

'Vua hầm' Đèo Cả nhắm 15 dự án lớn, có cao tốc Bắc - Nam và vành đai 4 Hà Nội

Đèo Cả ký kết hợp tác chiến lược với ngân hàng SeABank.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa tổ chức hội nghị đối tác chiến lược với sự tham gia của hàng chục đối tác thuộc các lĩnh vực liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Đèo Cả cho biết với chiến lược tăng trưởng tập trung, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển hệ sinh thái xoay quanh các lĩnh vực hạ tầng giao thông như đầu tư hạ tầng giao thông, tổng thầu thi công xây lắp, quản lý khai thác vận hành, bảo trì công trình giao thông, đầu tư bất động sản, công nghiệp, dịch vụ… gắn liền với công trình giao thông.

Đáng chú ý, hiện nay Đèo Cả đang triển khai nghiên cứu 15 các dự án lớn ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó có các dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án vành đai 4, 5 - vùng Thủ đô và các dự án vành đai 3, 4 tại TP. HCM.

Cũng tại hội nghị này, Đèo Cả đã tiến hành ký kết thoả thuận hợp tác với 13 đơn vị nhằm khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các bên, xác lập quyền lợi và trách nhiệm của nhà cung ứng, nhà thầu, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng với các nguyên tắc chung.

Các đối tác này gồm: Công ty TNHH Thương mại Trung Chính, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land, Công ty Cổ phần ASPHALT MD, Công ty TNHH Cung ứng Nhựa đường, Công ty TNHH Phát triển SANY Quốc tế, Công ty Cổ phần Thiết bị và Dịch vụ TCE, Công ty Thiết bị đầu tư Bình Minh và Công ty TNHH Thiết bị làm đường DYNAPAC Châu Á - TBD, Tập đoàn 911, Công ty TNHH Thương mại Nghĩa Trí, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank...

Hội nghị đối tác chiến lược do Đèo Cả tổ chức.

Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả (phụ trách mảng đầu tư), dự báo nhu cầu vốn dành cho hạ tầng giao thông đến năm 2030 tại Việt Nam khoảng 2 triệu tỷ đồng. Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định đến năm 2030, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của Việt Nam sẽ được nâng từ hơn 1.100km ở thời điểm hiện tại lên 5.000km vào năm 2030.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn làm cơ sở cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện. Theo đó, năm 2025, nước ta sẽ có 3.000km cao tốc và năm 2030 là 5.000km theo mục tiêu đề ra.

“Ước tính, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông đường bộ khoảng 490.000 tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng hơn 900.000 tỷ vào năm 2030. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng", ông Vĩnh nói.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Đèo Cả đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 trường, gồm: đại học Bách khoa Đà Nẵng, Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, đại học Quy Nhơn, đại học Xây dựng Hà Nội, đại học Công nghệ Giao thông vận tải và đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh.

Nội dung các thỏa thuận nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Đèo Cả với các nhà trường.

Được biết, trong năm 2022, Đèo Cả dự kiến sẽ đầu tư vào các dự án như cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh...

Doanh nghiệp này cũng dự kiến đầu tư vào một số dự án bất động sản khác thông qua các hình thức như góp vốn đầu tư trực tiếp, hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần... Tổng số vốn tham gia đầu tư dự kiến gần 4.000 tỷ đồng.

Về doanh thu, năm 2022, Đèo Cả dự kiến sẽ đạt doanh thu 3.949 tỷ đồng. Năm 2023 là 10.428 tỷ đồng, năm 2024 là 11.890 tỷ đồng và đến năm 2025 con số này sẽ là 12.431 tỷ đồng.

Tin mới lên