Vướng luật, Kiên Giang xin dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Lệ Chi - 03/08/2019 17:46 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

VNF
Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang theo định hướng khu kinh tế.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết vào tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế.

Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch, tuy nhiên đến nay dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

Tỉnh cũng cho biết đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.

Hơn nữa, theo Luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt.

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc.

Do đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Kiên Giang cũng muốn được cho phép áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thực hiện thanh toán với tư vấn nước ngoài. UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tư vấn đảm bảo năng lực, kinh nghiệm, uy tín để lập quy hoạch.

Trước đề nghị của tỉnh Kiên Giang, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến 4 bộ gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế của tỉnh này.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến 4 Bộ về đề nghị dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế của tỉnh Kiên Giang.

Được biết, vào tháng 4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng có tờ trình Chính phủ xin chủ trương thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ.

Lý giải về việc xin chủ trương thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái…

Như VietnamFinance đã đề cập, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Kiên Giang mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cho hay để Kiên Giang trở thành “một tỉnh phát triển năng động, đạt trình độ khá trong cả nước”, hướng đến mục tiêu “là tỉnh giàu có, phát triển bền vững”, thì nhất thiết phải khơi dậy và khai thác hiệu quả, đồng đều hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh nêu trên.

"Chúng tôi cũng hiểu rằng, để huy động được nguồn lực từ bên ngoài, không có giải pháp nào tốt hơn là phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ “nút thắt” về thủ tục hành chính, hoàn chỉnh khung pháp lý để thông qua các dự án đầu tư, giúp nguồn lực bên ngoài được giải phóng một cách nhanh nhất", ông Hồng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác