Xây lắp Hải Long tối ưu hóa dòng tiền phục vụ kinh doanh
(VNF) - Xây lắp Hải Long triển khai chiến lược tài chính thông qua việc tối ưu hóa dòng tiền các khoản vay hợp lý từ các tổ chức tín dụng uy tín. Nhờ vậy, doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh, gia tăng hiệu quả vận hành và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Công ty cổ phần Xây lắp Hải Long là 1 trong 3 thành viên chủ chốt của Công ty cổ phần Tập đoàn Taiyo (Taiyo Group) - tập đoàn do ông Phạm Anh Tiến (sinh năm 1972) làm Chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Xây Lắp Hải Long được thành lập vào tháng 11/1999 trên cơ sở cổ phần hóa xưởng cán tôn và xà gồ kim loại thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng – Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng.
Giai đoạn từ tháng 8/2014 trở về trước, Xây Lắp Hải Long có số vốn điều lệ là 39,6 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm: cổ đông lao động tại doanh nghiệp do Đoàn Ngọc Anh và Hoàng Thế Gia đại diện với tỷ lệ sở hữu là 57,17% cổ phần; cổ đông nhà nước do Phạm Anh Tiến đại diện nắm giữ 42,83% cổ phần.
Tháng 8/2014, Xây Lắp Hải Long nâng vốn điều lệ từ mức 39,6 tỷ đồng lên thành 60 tỷ đồng; rồi tiếp tục nâng lên thành 135 tỷ đồng vào tháng 6/2019.
Cập nhật mới nhất vào tháng 1/2023, vốn điều lệ của Xây Lắp Hải Long đã được nâng lên thành 250 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện do ông Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1966) làm người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc.
Taiyo Group được thành lập vào tháng 12/2017 với số vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm 6 cá nhân, trong đó ông Phạm Anh Tiến nắm giữ 55% cổ phần; Phạm Thị Lý nắm giữ 33% cổ phần; Phạm Thị Bích Dung và Phạm Tiến Dũng mỗi người nắm giữ 5% cổ phần; Phạm Thuý Hạnh và Phạm Trung Lanh mỗi người nắm giữ 1% cổ phần.
Tháng 12/2020, Taiyo Group tiến hành tăng vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng lên thành 235 tỷ đồng. Đến tháng 1/2022, Taiyo Group tiếp tục nâng vốn điều lệ lên thành 379 tỷ đồng.
Phá đỉnh doanh thu
Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2021 - 2023, Xây lắp Hải Long khi liên tục phá đỉnh doanh thu. Từ mức 958,7 tỷ đồng vào năm 2021, doanh thu thuần của Xây lắp Hải Long tăng vọt lên 1.346,6 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương mức tăng trưởng 40%. Đặc biệt vào năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng trưởng tới 97% so với năm trước khi đạt mức 2.649,5 tỷ đồng.
Khấu trừ đi các khoản chi phí (tài chính, lãi vay, bán hàng, quản lý) và thuế, lợi nhuận của Xây lắp Hải Long năm 2021 doanh nghiệp báo lãi 7,5 tỷ đồng; năm 2022 lãi 7,6 tỷ đồng và năm 2023 lãi 18 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng nhanh đáng kể. Từ mức 756,7 tỷ đồng (chiếm 83,5% nguồn vốn) vào năm 2021, nợ phải trả của Xây lắp Hải Long tăng lên mức 1.002,2 tỷ đồng (chiếm 87% nguồn vốn) vào năm 2022 và đạt 1.276,7 tỷ đồng (chiếm 82% nguồn vốn) vào năm 2023.
Phần lớn các khoản nợ của của Xây lắp Hải Long là nợ ngắn hạn. Theo đó, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp từ mức 336,3 tỷ đồng vào năm 2021 đã tăng lên thành 452,4 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên thành 765,4 tỷ đồng vào năm 2023.
Tối ưu hoá dòng tiền
Xây lắp Hải Long triển khai chiến lược tài chính thông qua việc tối ưu hóa dòng tiền các khoản vay hợp lý từ các tổ chức tín dụng uy tín. Nhờ vậy, doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh, gia tăng hiệu quả vận hành và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, mới đây nhất vào giữa tháng 6/2024, Xây lắp Hải Long đã sử dụng quyền đòi nợ, quyền nhận các khoản bồi hoàn, quyền yêu cầu thanh toán khác thuộc sở hữu của của doanh nghiệp này phát sinh từ hợp đồng thi công xây dựng công trình đã ký với đối tác làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng Vietcombank - chi Nhánh Hải Phòng.
Cũng tại Vietcombank - chi Nhánh Hải Phòng, Xây lắp Hải Long còn sử dụng tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh thuộc sở hữu của doanh nghiệp này là nguyên liệu, vật liệu phục vụ thi công dự án xây dựng nhà máy theo hợp đồng. Tiền thu được từ việc bán đối với các tài sản nêu trên ước tính khoản 56,5 tỷ đồng.
Hồi tháng 5/2024, Xây lắp Hải Long lần lượt sử dụng tài sản gồm: 1 cần trục bánh lốp sản xuất năm 2024 và các phụ tùng tiêu chuẩn đi kèm theo hợp đồng mua bán đã ký với Công ty cổ phần thiết bị và dịch vụ TCE; 1 bộ cẩu tháp Zoomlion đã qua sử dụng, cùng các phụ kiện theo hợp đồng kinh tế đã ký với Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và thương mại Ngọc Linh... làm tài sản thế chấp cho khoản vay 1.500 tỷ đồng tại tại Vietinbank - chi nhánh Lê Chân.
Tháng 4/2024, Xây lắp Hải Long sử dụng quyền tài sản là khoản phải thu/quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế đã ký với Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) – chi nhánh Đống Đa.
Hợp đồng thi công xây dựng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng này giữa Công ty cổ phần xây lắp Hải Long và Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Vũ – Hải Phòng cũng được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay 1.500 tỷ đồng tại tại Vietinbank - chi nhánh Lê Chân vào hồi tháng 3/2024.
Tiềm lực tài chính của Xây lắp Hải Long qua những con số
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.