Bà Phạm Chi Lan: Người quản lý ‘siêu ủy ban’ phải có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị

Cao Huyền - 16/01/2018 16:18 (GMT+7)

(VNF) - "Người quản lý phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị. Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được", bà Phạm Chi Lan nói.

VNF
Bà Phạm Chi Lan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng giao cho ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ tọa đàm kinh tế vĩ mô 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm 16/1, vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế mang ra thảo luận.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đánh giá: "Vịêc tách các Bộ làm chính sách ra khỏi các doanh nghiệp là điều cần thiết, tránh sự xung đột về lợi ích nhóm. Cần phải có sự tích cực và quyết liệt trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nếu có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước mà không quản lý hết được thì nên tách ra, đẩy mạnh cổ phần hóa và thu gọn đầu mối lại, đồng thời quản lý các doanh nghiệp về chính sách công nghiệp hiệu quả".

Đề cập đến việc làm thế nào để quản lý hiệu quả Ủy ban này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thành công của tổ chức được quyết định bởi những người làm ở đó.

"Người quản lý phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị. Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được. Hiện nay ở nước ta, việc đảo lộn hai vị trí ở một số đơn vị khiến tôi không yên tâm", bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 20 doanh nghiệp nhà nước, bởi nếu ở con số đó sẽ không cần thiết phải thành lập Ủy ban quản lý vốn, mỗi doanh nghiệp sẽ có một cơ chế, pháp luật riêng.

Cũng liên quan đến việc quản lý hiệu quả Ủy ban này, TS Võ Trí Thành (nguyên Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) khẳng định: "Mỗi tổ chức khi hoạt động, bắt buộc phải đảm bảo bốn nguyên tắc: minh bạch, giám sát, năng lực và chuyên nghiệp.

Ông Thành cũng nêu ví dụ về Ủy ban quản lý vốn của Trung Quốc, mới đây vị Chủ tịch của Ủy ban này đã bị bắt vì tội tham nhũng. "Chính vì thế để một tổ chức hoạt động hiệu quả thì cần đề cao tính minh bạch lên hàng đầu", ông Thành nói.

Ông Thành cũng nhấn mạnh thêm SCIC cần phải chuyên nghiệp hơn để quyết liệt tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước đồng thời đo lường những khu vực không kiểm soát được và có quyết liệt mới giảm thiểu tối đa xung đột lợi ích diễn ra ở các Bộ, ngành.

Cùng chuyên mục
Tin khác