Tài chính

Bóc tách nguyên nhân PVC thua lỗ thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh

(VNF) – Giai đoạn tăng trưởng nóng 2008 – 2011 của PVC chính là mầm mống tạo ra thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong hai năm 2012 - 2013 sau đó. VietnamFinance thử đánh giá sự việc trên phương diện tài chính để cung cấp thêm góc nhìn về vụ việc này.

Bóc tách nguyên nhân PVC thua lỗ thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh

Ông Trịnh Xuân Thanh thời còn làm lãnh đạo PVC

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cuộc thanh tra sẽ diễn ra trong 70 ngày với trọng tâm là việc đầu tư thực hiện các dự án, thời kỳ thanh tra là giai đoạn 2008 – 2013.

Đây là động thái mới từ cơ quan chức năng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, người đang bị truy nã quốc tế. Trước đó, vào ngày 19/05 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Mặc dù ai cũng biết rằng, thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh, PVC phải chịu lỗ lũy kế hợp nhất lên đến 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan và rõ ràng xem nguyên nhân gây ra lỗ lũy kế hợp nhất hàng nghìn tỷ đồng của PVC là gì và trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh đến đâu trong thua lỗ nghìn tỷ ấy.

Trước đây, có một số ý kiến cho rằng việc PVC thua lỗ một phần không nhỏ là do ảnh hưởng của yếu tố khách quan là diễn biến giá dầu. Tuy nhiên, thời kỳ 2008 – 2013 mà ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo PVC, diễn biến của giá dầu thế giới có chiều hướng tốt lên. Thậm chí 2 năm mà PVC thua lỗ kỷ lục là năm 2012 và năm 2013, giá dầu thế giới thậm chí còn đạt đỉnh nhiều năm trước khi rớt giá mạnh vào giữa năm 2014 do cuộc tấn công của dầu khí đá phiến.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thua lỗ của PVC?

Mầm mống thua lỗ trong vẻ ngoài hào nhoáng

Trước tiên hãy cùng xem xét diễn biến doanh thu thuần và tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần giai đoạn 2008 – 2013 của PVC.

Diễn biến doanh thu thuần và tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của PVC giai đoạn 2008 - 2013

Xét trong 6 năm từ 2008 – 2013, có thể chia thời kỳ phát triển của PVC ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2008 – 2011 là giai đoạn PVC tăng trưởng phi mã với mức tăng doanh thu bình quân lên đến 137%/năm. Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng cao và thậm chí giữ được tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần ở mức tương đối ổn định nhưng đây cũng là thời kỳ tạo ra mầm mống thua lỗ tiềm tàng của PVC trong tương lai.

Để tạo ra có được tốc độ gia tăng doanh thu khủng khiếp này, PVC chỉ huy động thêm 1.000 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu vào năm 2010, trong khi phần lớn nguồn lực tài chính là đến từ vốn vay và vốn chiếm dụng của đối tượng khác.

Đầu tiên hãy xét riêng về vốn vay. Giai đoạn 2008 – 2011, tổng vốn vay của PVC tăng vọt từ mức 567 tỷ đồng lên mức 4.810 tỷ đồng, tương đương với tốc độ tăng bình quân 249%/năm.

Tổng vốn vay và chi phí lãi vay của PVC giai đoạn 2008 - 2013

Việc gia tăng vốn vay một cách đột ngột trong giai đoạn 2008 – 2011 đã tạo ra gánh nặng chi phí lãi vay ngày càng lớn cho PVC, và hứng chịu nhiều nhất là 2 năm sau đó với chi phí lãi vay hàng năm đạt đỉnh 475 tỷ đồng và 454 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng đưa PVC đến tình trạng thua lỗ rất nặng trong 2 năm 2012 và 2013.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là, PVC ngày càng bị mất cân đối tài chính do vay nợ quá nhiều.

Nếu như tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của PVC vẫn ở mức khá an toàn trong các năm 2008 và 2009 với tỷ lệ lần lượt là 0,35 và 0,45 lần thì sang đến năm 2010, con số này đã tăng lên khá cao là 1,17 lần. Đến năm 2011 thì tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của PVC đã ở mức rất cao 1,75 lần. Tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng cộng với sai lầm trong chiến lược phát triển (sẽ trình bày sâu hơn ở phần sau) là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến thua lỗ của PVC.

Nhưng không chỉ sử dụng vốn vay, PVC còn sử dụng vốn chiếm dụng từ các đối tác để tạo nguồn lực tài chính phát triển kinh doanh.

Việc chiếm dụng vốn từ các đối tác như người mua trả tiền trước, hay nợ phải trả nhà cung cấp thực ra là tình trạng rất phổ biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, PVC lại có dấu hiệu sai phạm khi sử dụng vốn chiếm dụng từ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Cụ thể, vào năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó PVC xin tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã chi 425 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng, chi 55 tỷ đồng để thanh toán lãi vay ủy thác của PVN, chi 74 tỷ đồng hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, chi 103 tỷ đồng hỗ trợ vốn công trình Vũng Án, chi 156 hỗ trợ vốn các công trình khác.

Ngoài ra, PVC còn sử dụng số tiền tạm ứng trên để chi 102 tỷ đồng góp vốn vào Công ty PVC-MS, chi 50 tỷ đồng góp vốn vào Công ty PVC-Land, chi 55 tỷ đồng góp vốn vào Công ty PVC-Hòa Bình, chi 30 tỷ đồng góp vốn vào Công ty PVNC và chi 30 tỷ đồng góp vốn vào Công ty PVC-Mekong. Sau đó thì PVC-Land và PVC-Mekong bị thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Theo thống kê thì năm 2012, PVC tiếp tục nhận được hàng nghìn tỷ đồng tiền ứng trước từ Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nâng tổng số tiền được trả trước lên đến 5.062 tỷ đồng. Nhiều khả năng Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục bóc tách rõ việc sử dụng số tiền này của PVC trong năm 2012 và năm 2013 trong cuộc thanh tra 70 ngày tới đây.

Vậy có được nguồn lực tài chính khổng lồ từ vốn vay và vốn chiếm dụng, PVC làm gì để tạo ra tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân "chóng mặt" 137%/năm trong giai đoạn 2008 – 2011?

Cách làm của lãnh đạo PVC là: Nhận thật nhiều công trình, dự án; sau đó, một phần nội bộ PVC chia nhau làm (công ty mẹ và các công ty con) và một phần chuyển nhượng cho các công ty bên ngoài làm (có thể là công ty liên kết hoặc không liên kết), từ đó thu tiền chuyển nhượng dự án.

Ngoài ra, PVC còn tiến hành bảo lãnh vay nợ ngân hàng cho một số công ty nhận chuyển nhượng công trình từ PVC, nghĩa là nếu công ty đó không trả được nợ, PVC sẽ phải trả thay.

Đồng thời, PVC cũng dùng một lượng lớn nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án cũng như các công ty liên kết hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Trường hợp của PVC-Land và PVC-Mekong được nhắc phía trên chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp như vậy.

Đây đều là những nguyên nhân cực kỳ quan trọng dẫn đến thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của PVC trong 2 năm 2012 và 2013.

(Còn tiếp)

Tin mới lên